Nhiều dự án chậm tiến độ, gây lãng phí

24/05/2022 07:57 GMT+7

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành một số dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia còn chậm, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Chiều 23.5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội trong công tác này.

Theo Bộ trưởng Tài chính, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Điển hình, kết quả thực hiện giao tự chủ tài chính theo chế độ quy định, các bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm kinh phí ngân sách 1.510 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Phớc cho biết việc tổ chức, triển khai thực hiện luật Quản lý, sử dụng tài sản công ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đầy đủ các nội dung theo quy định. Đáng chú ý là còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, vi phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa. Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương. Thanh tra Chính phủ đã chuyển Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý 7 vụ việc liên quan sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh…

Báo cáo thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh ghi nhận những kết quả đạt được, song lưu ý, công tác đấu thầu mua sắm và mua sắm tập trung còn nhiều bất cập. Tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá việc chậm triển khai và phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Việc lập, triển khai kế hoạch đầu tư công còn nhiều bất cập, hạn chế. Tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành một số dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia còn chậm, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Bà Chinh dẫn chứng dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt năm 2010, đến tháng 10.2021 lũy kế giải ngân vốn ODA chỉ đạt 2,5%, vốn đối ứng chỉ đạt 2,09%.

“Ngoài ra, tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”, và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực…”, bà Chinh nêu và cho biết Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; kiên quyết thu hồi đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất để hoang hóa, đất sử dụng không đúng mục đích, hằng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.