Nhiều dự án điện gió tại Côn Đảo được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) chấp thuận đầu tư, nhưng đến nay chưa có nhà máy nào hình thành.
|
Năm 2011, Công ty CP Năng lượng Mặt trời đỏ (TP.HCM) báo cáo UBND tỉnh BR-VT đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời tại H.Côn Đảo. Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án điện gió, điện mặt trời sẽ được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ 2012 – 2013 cung cấp khoảng 20 triệu KWh/năm; giai đoạn 2, từ 2014 – 2015, cung cấp 40 triệu KWh/năm. Dự án sử dụng 50 ha đất để lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời và cột điện gió. Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo UBND H.Côn Đảo cho biết, hiện tại dự án này vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Ban đầu, doanh nghiệp này cũng triển khai quyết liệt, đong, đo gió và mời các đoàn đi khảo sát, tham quan nhiều nơi… nhưng đến nay vẫn chưa có “rục rịch” gì mới. Đây không phải là dự án đầu tiên xin chủ trương đầu tư điện gió tại H.Côn Đảo.
|
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở Công thương tỉnh BR-VT nói: “Có nhiều nhà đầu tư xin dự án làm điện gió ở H.Côn Đảo được cấp phép, cho chủ trương nhưng rồi đến nay vẫn không thấy động đậy gì”.
Trước đó, năm 2007, UBND tỉnh BR-VT chấp thuận đề nghị của Tập đoàn Aerogie.Plus (Thụy Sĩ) về việc triển khai nghiên cứu và chuẩn bị các thủ tục để thực hiện lập dự án điện gió cho H.Côn Đảo. Sau đó, năm 2008, Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Aerogie.Plus (thuộc tập đoàn) tổ chức giới thiệu dự án Nhà máy phong điện Côn Đảo và tiến hành ký kết hợp đồng nguyên tắc mua bán điện với UBND H.Côn Đảo.
Dự án có thời gian hoạt động 30 năm với 2 lần thay đổi thiết bị mới, có công suất thiết kế 7,5 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 20 triệu Euros. Đây là dự án sử dụng năng lượng gió phối hợp với hệ thống diezel. Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn H.Côn Đảo sẽ có 50.000 người, tăng gấp 10 lần so với năm 2007, với khoảng 500 – 700.000 lượt khách du lịch hàng năm. Dự án nhà máy điện gió đáp ứng sự gia tăng nhu cầu sử dụng điện cho Côn Đảo trong tương lai.
Lãnh đạo Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Aerogie.Plus cam kết thời gian triển khai xây dựng dự án hoàn tất trong vòng 2 năm, đến đầu năm 2011 Nhà máy chính thức hoạt động. Thế nhưng do quá trình triển khai dự án chậm chạp, năm 2012, UBND tỉnh BR-VT đã thu hồi dự án, thu hồi giấy phép đầu tư của công ty. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh BR-VT cho biết, mặc dù đã thu hồi dự án nhưng nếu công ty này vẫn muốn tiếp tục xin chủ trương đầu tư lại thì tỉnh vẫn cấp phép.
Nguyễn Long
>> Điện gió Bạc Liêu mua gói bảo hiểm tài sản gần 1.000 tỉ đồng
>> Gỡ “nút thắt” cho điện gió
>> Điện gió Bạc Liêu hòa lưới điện quốc gia
>> Cần có chính sách đồng bộ để phát triển điện gió
>> Nhà máy điện gió Bạc Liêu sắp hòa lưới điện quốc gia
Bình luận (0)