Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với quy mô và phạm vi rộng, tính chất phức tạp song kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường duy trì được sức tăng trưởng dương 1,42% từ tháng 1 - 9.2021, cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế là rất tốt.
Xuyên suốt gần 2 năm qua kể từ đợt dịch thứ nhất bùng phát đến đợt dịch thứ 4 này, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy duy trì sản xuất và hỗ trợ nền kinh tế.
Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy duy trì sản xuất |
Đào Ngọc Thạch |
Sức chống chịu kiên cường của nền kinh tế
Những con số thống kê vừa công bố không hề gây ngạc nhiên bởi đó chỉ là bức tranh ai cũng đã nhìn thấy. Chúng ta tin tưởng rằng khó khăn lớn nhất đã ở lại phía sau, phía trước dù còn nhiều thách thức nhưng có những tín hiệu cho chúng ta một cái nhìn khả quan hơn về triển vọng phục hồi của kinh tế. Dịch bệnh bắt đầu có dấu hiệu được kiểm soát ở những tỉnh, thành điểm nóng và cũng là những địa phương vốn giữ vai trò động lực tăng trưởng của cả nước.
Xuất khẩu vẫn là động lực giúp duy trì tăng trưởng của kinh tế Việt Nam khi đạt mức tăng lên đến 18,8% so với cùng kỳ. Có được kết quả này là nhờ những chính sách ưu tiên hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, giảm thiểu nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng tốt các hiệp định FTA mà VN đã tham gia, bám sát sự phục hồi của kinh tế thế giới, nhất là các thị trường xuất khẩu chủ lực của VN như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN… Chính sách “3 tại chỗ” có thể khiến chi phí tăng thêm, nhưng đánh giá tổng thể thì đó vẫn là lựa chọn chấp nhận được hay ít ra vẫn tốt hơn so với chính sách đóng cửa nhà máy.
TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang vốn là điểm nóng về dịch bệnh, cùng với các tỉnh sớm kiểm soát dịch khá tốt là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh và gần đây là Hà Nội thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng đã kiểm soát dịch khá tốt và đang nhanh chóng trở về trạng thái “bình thường mới”.
Chúng ta đều biết rằng một chiến lược phát triển để giảm rủi ro là đa dạng hóa kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam đến nay có thể nói là có mức độ đa dạng hóa tốt hơn những thập niên trước rất nhiều, cả về ngành, lĩnh vực, phạm vi và không gian kinh tế.
Lĩnh vực dịch vụ hiện chiếm hơn 40% cơ cấu kinh tế và chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh. Với mức giảm 0,69% đã khiến dịch vụ giảm 22,05% đóng góp vào mức tăng trưởng chung của kinh tế 9 tháng 2021. Bù lại, công nghiệp và xây dựng là những lĩnh vực chiếm đến 38% cơ cấu kinh tế vẫn duy trì mức tăng 3,57%, nhờ đó đóng góp đến 98,53% vào tăng trưởng chung.
Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng khi đạt tốc độ 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đặc biệt, nông nghiệp luôn đóng vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế, đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là trong giai đoạn khó khăn vừa qua khi vẫn duy trì mức tăng trưởng 2,74%, đóng góp đến 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Nhìn ở phía tổng cầu, tiêu dùng cuối cùng của khu vực hộ gia đình dù có suy giảm tăng trưởng so với trước nhưng vẫn tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy vốn đầu tư tăng 4,27% cho thấy triển vọng tăng trưởng trung dài hạn sẽ được duy trì. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước (giá hiện hành), đặc biệt vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước chiếm đến 58,9% và tăng 3,9% cùng kỳ cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân tiếp tục được khẳng định theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp song vẫn có đến hơn 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm, chưa kể gần 32.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cho thấy có không ít người nhìn thấy cơ hội trong khó khăn.
Covid-19 sáng 4.10: Cả nước 808.578 ca nhiễm, 693.797 ca khỏi | Hàng vạn người khó nhọc về quê |
Nhiều tỉnh, thành duy trì tăng trưởng cao
Một tin tốt là vai trò động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay không còn quá tập trung vào một số tỉnh, thành phát triển truyền thống như những thập niên thời kỳ đầu công nghiệp hóa.
TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương vốn là những địa phương động lực truyền thống nhưng lại là tâm điểm của đợt dịch lần thứ 4 này nên khó tránh khỏi những tác động tiêu cực về tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội. Tuy nhiên chúng ta vẫn chứng kiến nhiều địa phương khác duy trì tăng trưởng rất cao hai chữ số như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Nam, chưa kể khá nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên… vẫn duy trì tăng trưởng cao từ 6 - 8%.
Điển hình như Bà Rịa-Vũng Tàu, là tỉnh có vị trí tiếp giáp với TP.HCM, có quy mô kinh tế khá lớn, bối cảnh công nghiệp tương tự Đồng Nai, Bình Dương, nhưng nhờ kiểm soát dịch tốt đã góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức khá trong 9 tháng đầu năm. Bà Rịa-Vũng Tàu có hệ thống cảng biển quốc tế quan trọng Cái Mép - Thị Vải nên việc giữ được “vùng xanh cảng biển” ở đây đã góp phần duy trì hoạt động ngoại thương cho cả vùng Đông Nam bộ, góp phần duy trì các chuỗi cung ứng quốc tế, nhất là thành quả xuất khẩu của VN 9 tháng qua.
Về mặt ổn định vĩ mô, nhìn chung các nền tảng về lạm phát, tài chính, tín dụng, ngân sách, tiền tệ, tỷ giá, thanh khoản ngân hàng khá ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức thấp nhất 5 năm qua, chủ yếu do yếu tố chi phí đẩy trong khi yếu tố cầu kéo suy giảm. Lạm phát thấp giúp duy trì phần nào sức mua thu nhập của người dân trong bối cảnh thu nhập danh nghĩa không tăng hoặc thậm chí giảm.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng cũng chỉ tăng 0,88% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 20.9 đạt 7,17% so với cùng kỳ, dù tăng gấp 1,4 lần mức tăng cùng kỳ, song vẫn còn thấp so với dư địa tăng trưởng 13% dự kiến ban đầu trong năm nay. Điều này cho thấy dư địa của chính sách tiền tệ còn khá lớn để có thể thực thi các biện pháp kích thích tiền tệ lên tổng cầu mà vẫn kiểm soát được lạm phát tiền tệ cũng như sự ổn định vĩ mô.
Mở cửa lại nền kinh tế sẽ đưa tổng cầu gia tăng trở lại, sức ép cầu kéo lên giá cả là có song không quá lo ngại do tiến trình mở cửa không ào ạt, đặc biệt do thu nhập nền kinh tế đã bị bào mòn thời gian qua, đồng thời áp lực của chi phí đẩy, nhất là chi phí lao động và logistics phần nào cũng giảm bớt.
Cân đối ngân sách nhà nước đến giữa tháng 9.2021 vẫn đảm bảo kế hoạch, trong đó thu ngân sách đạt hơn 1.034 nghìn tỉ đồng (77% dự toán) trong khi chi ngân sách đạt 975,6 nghìn tỉ đồng (57,8% dự toán). Đặc biệt, thời gian qua Chính phủ và chính quyền các địa phương đã tập trung ưu tiên chi cho công tác phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Nhiều gói hỗ trợ về tài khóa lên đến cả trăm nghìn tỉ đồng đang phát huy tác dụng hỗ trợ cho người dân và khu vực sản xuất. Không gian tài khóa và nợ công vốn đã cải thiện đáng kể trong giai đoạn trước đây góp phần không nhỏ làm tăng dư địa cho các chính sách kích thích tài khóa hậu phục hồi kinh tế sắp tới.
Bình luận (0)