Phát biểu khai mạc hội nghị, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ, cho ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề chính của các kế hoạch.
"Chúng ta đưa ra các giải pháp nhưng nếu trong phụ lục phát động mà không cụ thể, không có việc thì sẽ khó triển khai trên thực tế. Trong việc triển khai các công việc, cần cho ý kiến thêm về phân công thực hiện nhằm tránh chồng chéo, thể hiện tính chủ động sáng tạo cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện", anh Huy nhấn mạnh.
Cũng theo anh Bùi Quang Huy, đối với quy chế về thi đua khen thưởng trong sửa đổi lần này, sẽ bổ sung một số quy định mới của luật Thi đua, Khen thưởng và loại bỏ những quy định không còn phù hợp để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn về công tác thi đua khen thưởng của Đoàn. Đối với hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn, cơ bản các nội dung sửa đổi không nhiều, tuy nhiên vẫn có một số nội dung sửa chữa để phù hợp với tình hình mới.
"Những việc trong thời gian vừa qua Ban Chấp hành T.Ư Đoàn đã thí điểm, thấy trên thực tế đã chín muồi thì chúng ta đưa luôn vào hướng dẫn thực hiện điều lệ để dễ áp dụng. Bên cạnh đó, một số nội dung liên quan đến các hoạt động số hóa dữ liệu của Đoàn, đổi mới phương thức quản lý trong quá trình chuyển đổi số thì chúng ta phải cần có một số quy định mới hướng dẫn thực hiện điều lệ để đúng với tình hình mới", anh Huy gợi ý.
Ngoài ra, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn lưu ý nội dung rất quan trọng cần thời gian nghiên cứu khảo sát, đó là thành lập Hội đồng Đội cấp xã. Ban Bí thư T.Ư Đoàn giao lại Hội đồng Đội T.Ư tổ chức đánh giá để Ban Chấp hành T.Ư Đoàn xem xét.
KHƠI THÔNG NGUỒN VỐN GIÚP THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP
Trong ngày làm việc hôm qua 13.4, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về các kế hoạch, đề án, chương trình giai đoạn 2022 - 2030 như: giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng; phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ VN; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; tăng cường năng lực quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Hội Sinh viên VN các cấp.
Đối với Kế hoạch triển khai chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2023", chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TP.HCM, cho rằng cần thống nhất các cột mốc phù hợp; nếu xác lập thời điểm năm 2020 thì cần có sự tính toán lại vì đang có "độ chênh" trong chỉ tiêu thực hiện, giai đoạn sau thực hiện các chỉ tiêu đang ít hơn so với giai đoạn đầu.
"Chúng ta phải cho thanh niên hiểu đúng về bản chất của khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nếu muốn làm thì phải có kiến thức để khởi nghiệp, vì vậy phải giúp cho thanh niên có những kỹ năng, những điều kiện phù hợp. Cũng cần làm rõ vai trò của Hội Doanh nhân trẻ trong quá trình tham gia tập huấn, định hướng cho sinh viên, thanh niên trong khởi nghiệp... Hiện một số thanh niên đang xuất hiện tâm lý khởi nghiệp để kiếm tiền, bỏ học để khởi nghiệp kiếm tiền thay vì học tập và trau dồi củng cố kiến thức để khởi nghiệp", chị Phương nói.
Một số đại biểu cũng nhìn nhận khó khăn lớn nhất trong khởi nghiệp của thanh niên là vấn đề vay vốn. Chị Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng, đề xuất cần có cơ chế phù hợp hoặc có nguồn vốn phân bổ riêng cho hoạt động khởi nghiệp của thanh niên. Thời gian qua, tại Lâm Đồng có nhiều đề án với vốn khởi nghiệp 50 tỉ đồng (từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội), giúp thanh niên tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, theo chị Quỳnh, thanh niên mới lập gia đình hoặc mới trưởng thành thì gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn cũng như tài sản để thế chấp. Theo chị, trong kế hoạch có đề cập vấn đề nguồn vốn này. "Tôi mong muốn giữa T.Ư Đoàn và Ngân hàng Chính sách có thể tham mưu để Chính phủ phân bổ nguồn vốn riêng cho vấn đề thanh niên khởi nghiệp", chị Quỳnh nói.
Anh Trần Trung Kiên, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang, cũng nêu 2 trở ngại lớn nhất của thanh niên hiện nay trong vay vốn: tài sản thế chấp và thực hiện các khoản thanh toán theo sổ sách.
"Chúng ta phải có những hoạt động tư vấn. Việc thành lập các hội đồng tư vấn hỗ trợ thanh niên các tỉnh, thành khởi nghiệp là một giải pháp thực sự hiệu quả, mang tính thực tế cao. Theo tôi, trong giai đoạn 1 chúng ta nên thành lập hội tư vấn 100% ở các tỉnh, thành. Qua báo cáo, việc thành lập văn phòng hỗ trợ thanh niên thì tôi không tán thành, vì rất khó cho việc tìm người. Trong khi thành lập hội đồng tư vấn thì rất dễ, có thể mời các anh chị ở Hội Doanh nhân trẻ, cùng với các anh chị chuyên môn bên sở, ngành hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Chúng ta nên thành lập các CLB thanh niên khởi nghiệp, từ đó kết nối CLB này với hội đồng tư vấn, thay vì chúng ta lập văn phòng sẽ thêm bộ máy, thêm con người", anh Kiên nêu ý kiến.
CHÚ TRỌNG BỒI DƯỠNG, PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG TRẺ
Tham gia ý kiến về kế hoạch thực hiện chương trình Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2023 - 2030, anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, cho rằng công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh, tổ chức những cuộc thi xây dựng clip liên quan đến hành vi, việc làm vi phạm pháp luật để tuyên truyền trực quan, dễ nhận biết và phòng tránh. "Đẩy mạnh phản bác tệ nạn, tăng cường những tin tức tích cực, tin tốt. Lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Tăng cường tin tốt đẹp của đoàn viên, thanh niên trên không gian mạng để từ đó tạo trào lưu đẩy lùi tin xấu", anh Dũng kiến nghị.
Các kế hoạch được thảo luận tại Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 2, khóa XII
Kế hoạch triển khai Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030".
Kế hoạch triển khai đề án "Tăng cường năng lực quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện cho đội ngũ cán bộ Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Hội Sinh viên VN các cấp giai đoạn 2022 - 2030".
Kế hoạch triển khai Chương trình "Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030".
Kế hoạch triển khai Chương trình "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030".
Kế hoạch triển khai đề án "Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030".
Thống nhất với các nội dung đề án "Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ VN giai đoạn 2022 - 2030", nhưng chị Lư Thị Ngọc Anh, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, đề nghị bổ sung các cá nhân nhận danh hiệu "Sinh viên 5 tốt", Giải thưởng "Sao Tháng giêng"… vào danh sách và có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển. Chị cũng đề xuất cấp bộ Đoàn cần xây dựng kênh thông tin để các bạn trẻ tiếp cận chương trình, quỹ phát triển tài năng trẻ và kiến nghị tổ chức nhiều hơn những chương trình giao lưu với thanh niên trong khu vực và trên thế giới (ngoài chương trình Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương").
Theo chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TP.HCM, trong quá trình vận hành, công tác, các tổ chức Đoàn luôn có quan hệ chặt chẽ với nước bạn có cùng biên giới như: Lào, Campuchia, Trung Quốc… Vì vậy, cán bộ Đoàn cần nâng cao trình độ ngoại ngữ để thuận tiện trong việc xây dựng quan hệ, giao lưu trong khu vực.
"Nếu được, tôi cũng kiến nghị chúng ta nên khuyến khích hoặc có nhóm giải pháp giúp thanh niên học thêm một ngôn ngữ khác phục vụ quá trình đối ngoại. Ngoài ngoại ngữ, tổ chức Đoàn phải tiên phong, thể hiện trên website, fanpage chính thống… để đây cũng là nguồn thông tin đối ngoại, giới thiệu những hoạt động của mình", chị Phương kiến nghị.
Kết luận hội nghị, anh Bùi Quang Huy khẳng định các chính sách mà Ban Thường vụ T.Ư Đoàn bàn luận xuyên suốt 1 ngày làm việc là cơ sở để các tỉnh, thành Đoàn tham mưu cho địa phương để triển khai, thực hiện các chương trình, đề án của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy mới có cơ chế, được bố trí nguồn lực để thực hiện. Anh Bùi Quang Huy cũng đề nghị: "Các tỉnh, thành Đoàn phải bắt tay vào hành động sớm, có kế hoạch cụ thể, áp dụng phương pháp làm việc nhanh, linh động, khoa học. Đề cao việc thực hiện đồng bộ, bài bản từ T.Ư đến cấp cơ sở, sẽ tạo ra tính lan tỏa rất lớn, hiệu quả mang lại rất lớn; cách làm phải quyết liệt, sáng tạo, quan trọng nhất là ý thức, nhận thức của người đứng đầu. Ngay sau kỳ họp, chậm nhất 21.4 tất cả các kế hoạch vừa mới thảo luận cần phải được ban hành", anh Bùi Quang Huy nhấn mạnh.
Bình luận (0)