Ngày 26.9, các đại biểu tham gia Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 7, năm 2023, đã tham gia thảo luận sôi nổi tại diễn đàn với chủ đề Thanh niên Việt Nam tự tin hội nhập.
Hiểu và tôn trọng đa dạng văn hóa
Anh Lương Văn Trường, Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương (tỉnh Nam Định), cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa, việc gặp gỡ và hợp tác giữa thanh niên từ các quốc gia khác nhau là một phần quan trọng của sự phát triển cá nhân và cộng đồng.
"Tuy nhiên, sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa là một thách thức lớn, có thể tạo ra rào cản trong giao tiếp, dẫn đến hiểu lầm và mất thông tin quan trọng. Ngoài ra, văn hóa khác nhau có thể dẫn đến xung đột và mâu thuẫn trong quá trình giao lưu", anh Trường chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề này, anh Trường cho rằng cần tổ chức các chương trình học tập, giao lưu giúp thanh niên hiểu và tôn trọng đa dạng văn hóa. Những khóa học về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử của các quốc gia khác nhau có thể giúp tạo ra sự thoải mái trong giao tiếp, để thanh niên tự tin hội nhập.
"Việc đầu tư cho sự hiểu biết và tôn trọng văn hóa có thể tạo ra những trải nghiệm giao lưu sâu sắc và ý nghĩa hơn. Điều này không chỉ giúp xây dựng nền hòa bình và sự hiểu biết toàn cầu mà còn thúc đẩy sự phát triển cá nhân, cộng đồng của mọi người tham gia", anh Trường đề xuất.
Hình thành các HTX nông nghiệp số
Là đại biểu khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp số, anh Nguyễn Văn Thiên Vũ, Giám đốc Công ty thiết bị bay Agridrone Việt Nam, cho rằng T.Ư Đoàn là cầu nối vô cùng quan trọng trong hoạt động quốc tế của thanh niên, nhằm xây dựng lớp thanh thiếu niên thời đại mới.
"Ngày càng nhiều thanh niên nông thôn khởi nghiệp thành công và đưa sản phẩm của Việt Nam vươn ra thế giới. Điều này không chỉ giúp địa phương tự tin vào thương hiệu sản phẩm, mà còn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương cho thanh niên nông thôn. Đồng thời tạo hệ sinh thái việc làm bền vững cho người dân", anh Vũ bày tỏ.
Tuy nhiên, anh Vũ cho biết tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị. Thực trạng này đặt ra nhiều thách thức cho thanh niên trong quá trình hội nhập.
"Cần có nhiều hơn các hoạt động tại địa phương để khuyến khích, hỗ trợ thanh niên nhằm nâng cao sự tự tin, bản lĩnh, tinh thần khởi nghiệp, tình yêu quê hương ngay từ THCS, THPT", anh Vũ nói.
Theo anh Vũ, thời gian qua, giải pháp hình thành các HTX nông nghiệp số tại từng địa phương, sàn nông sản trên vũ trụ ảo AgriVerse và máy bay nông nghiệp, đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ sản xuất. Mô hình này đã quảng bá sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp và hình thành nên các mô hình kinh doanh mới, giúp cải thiện sinh kế, hình thành một thế hệ thanh niên mới, tự tin hội nhập, đầy đủ kỹ năng để tiếp nhận các dự án mới từ quốc tế.
"Các hợp tác xã nông nghiệp số là nơi kết hợp toàn diện giữa thanh niên Việt Nam ở quốc tế và tại địa phương, giúp giải quyết được các mặt hạn chế cho việc phát triển nông sản Việt. Hợp tác xã được vận hành bởi các thanh niên trẻ tài năng. Các bạn là đầu mối kết nối quốc tế để thương mại nông sản, mang những công nghệ tiên tiến trên thế giới ứng dụng tại địa phương. Đây là một mô hình cần được phát triển và nhân rộng", anh Vũ đề xuất.
Đồng thời, anh Vũ cho rằng ứng dụng công nghệ vào canh tác, sản xuất là cách để thanh niên tự tin hơn về phương thức sản xuất, đầu ra và đạt hiệu quả kinh tế cao, bền vững, góp phần giúp thanh niên tự tin hội nhập.
Thay đổi cách thức dạy ngoại ngữ
Với góc nhìn của một nhà khoa học, đại biểu Chu Đức Hà (giảng viên Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng đối với một quốc gia đang ngày càng hội nhập sâu rộng và mở cửa với thế giới, việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, kỹ năng hội nhập quốc tế cho giới trẻ Việt Nam là vô cùng quan trọng và cấp thiết.
"Có một lượng lớn thanh niên quan tâm đến việc học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Tuy nhiên, chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại các khu vực thành thị, nông thôn không đồng đều, gây nên sự không công bằng trong việc tiếp cận giáo dục ngoại ngữ, cơ hội học bổng hay chương trình trao đổi văn hóa. Nhiều thanh niên còn thiếu kỹ năng giao tiếp quốc tế và hiểu biết sâu sắc về văn hóa toàn cầu", anh Hà nhìn nhận.
Từ thực tế đó, anh Hà cho rằng Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên của các trường cần tạo ra và tăng cường vai trò của những mô hình câu lạc bộ ngoại ngữ để tạo động lực cho sinh viên thực hành.
Đặc biệt, anh Hà nhấn mạnh: "Cách thức đào tạo ngoại ngữ hiện nay cần chuyển dịch theo hướng thực tế, thay vì chỉ chú trọng dạy ngữ pháp, sinh viên cần được giao các nhiệm vụ khó để thách thức sự sáng tạo, cũng như nhiều hoạt động gắn với giới trẻ, vừa để ngoại ngữ "đi vào não" một cách tự nhiên nhất".
Bình luận (0)