Chủ trì hội nghị của các diễn đàn này có anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn và các Bí thư T.Ư Đoàn: Nguyễn Ngọc Lương, Nguyễn Anh Tuấn.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 được xây dựng công phu, khoa học và sáng tạo. Các vấn đề nêu ra trong dự thảo gắn liền với cuộc sống thanh niên; mục tiêu công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, khẩu hiệu hành động của đại hội phù hợp với thanh niên. Các nhiệm vụ và giải pháp đặt ra cũng bao quát.
tin liên quan
Chương trình 'Sinh viên với biển đảo Tổ quốc': Khởi nghiệp hướng về biểnTrong chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc”, nhiều dự án, mô hình khởi nghiệp từ biển được sinh viên mang ra giới thiệu với mong muốn góp phần phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.
Giúp thanh niên tìm hiểu pháp luật
19 ý kiến đóng góp của các phóng viên - biên tập viên trẻ ở 16 đơn vị báo chí đã đưa ra nhiều giải pháp và đề xuất nhằm giúp Đoàn hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ thanh niên. Các chủ đề nổi bật trong các ý kiến là: Đoàn cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật cho thanh niên, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, định hướng lý tưởng sống để giúp thanh niên tránh rơi vào tình trạng sa đọa, thực hiện các hành vi xấu, giúp đỡ thanh niên tìm kiếm việc làm...
Đại diện Báo Văn hóa, phóng viên Thùy Trang bày tỏ lo ngại trước lý tưởng sống của một bộ phận giới trẻ. Thực tế tác nghiệp cũng cho thấy các trường ĐH đều cảm thấy lo lắng về ý thức sống của sinh viên và chủ động đưa ra những hoạt động hướng tới lối sống tốt. Đoàn cần đi sâu hơn vào hoạt động định hướng lý tưởng sống cho sinh viên chứ không chỉ hoạt động phong trào đơn thuần.
Ở một góc nhìn khác, phóng viên Công Nguyên, Báo Thanh Niên cho biết quá trình tác nghiệp khiến nhà báo này rất trăn trở với cụm từ “tội phạm trẻ hóa”. Theo số liệu thống kê cả nước trên 24 triệu người trong độ tuổi từ 16 - 30 tuổi, trong đó tỷ lệ người không đi học và ở nhà không nhỏ và chính đối tượng này góp phần vào tội phạm trẻ hóa. Thực tế này cũng đặt ra trách nhiệm của đoàn viên địa phương trong công tác định hướng ban đầu và cách làm lại cuộc đời sau khi lầm lỡ.
Định hướng giới trẻ trên mạng xã hội cũng là nội dung được nhiều ý kiến nêu ra trong hội nghị. Phóng viên Thanh Truyền (Báo Mực Tím) cho rằng Đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trên mạng xã hội không chỉ nội dung mà cả phương thức tuyên truyền. Các trang này cần có sự đầu tư để phong phú hơn về hình thức tiếp cận như: clip, chuyên mục hấp dẫn khác.
Để là bạn của thanh niên
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học góp ý đoàn cần phải đổi mới cách tiếp cận với giới trẻ trong cách học tập, nghiên cứu, vui chơi, giải trí, việc làm...
Theo PGS-TS Vũ Tình, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng: “Tôi có dịp nói chuyện, tiếp xúc với nhiều thanh niên, sinh viên, kể cả những du học sinh. Hầu hết thanh niên hiện nay họ không ngại khó, khổ nhưng cái ngại nhất của người ta là sự công bằng, thiếu bình đẳng trong xã hội. Nhiệm vụ của tổ chức Đoàn là phải nắm được tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên. Không những thế, Đoàn phải trở thành cơ quan phản biện, phải là tổ chức bảo vệ sự bình đẳng, công bằng, nhất là trong quá trình tuyển dụng”.
tin liên quan
Tiến sĩ Việt trở thành 'nhà khoa học trẻ toàn cầu'Tiến sĩ Trần Quang Huy vừa được Viện Hàn lâm khoa học trẻ toàn cầu chính thức công nhận là thành viên trong lễ ra mắt thành viên mới tại Scotland vào trung tuần tháng 5.
Còn tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đóng góp: “Hiện nay cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang là từ khóa và tâm điểm trong giới trẻ nhưng nhiều thanh niên chưa hiểu thấu đáo về vấn đề này, nên chăng Đoàn có một cuộc thi cho thanh niên, sinh viên tìm hiểu về cuộc cách mạng công nghệ này. Từ đó, định hướng cho bạn trẻ trong vấn đề khởi nghiệp, kỹ năng cần có khi khởi nghiệp trong vấn đề liên quan, để làm sao thật sự Đoàn là bạn của thanh niên, định hướng cho thanh niên chứ không phải là người đi sau thanh niên”.
Tăng cường các hoạt động kỹ năng
Các cựu cán bộ Đoàn cũng đưa ra các ý góp ý đầy tâm huyết. Nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Phạm Chánh Trực cho rằng: Nhiệm kỳ tới, Đoàn cần phải vận động từng đối tượng thanh niên trong từng lĩnh vực hoạt động xã hội, trọng điểm là thanh niên các doanh nghiệp, thanh niên trường học và thanh niên công sở, tạo ra phong trào hành động sôi nổi, xung kích sáng tạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước. Chẳng hạn, vận động phát triển thanh niên rèn luyện phẩm chất, lối sống, thể chất và kỹ năng, sẵn sàng lập thân, lập nghiệp, lập công bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Song song đó, xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn tiêu biểu, là con người có lý tưởng vì xã hội, có phẩm chất, năng lực, trình độ, xứng đáng kế thừa sự nghiệp của Đảng.
Còn nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo thẳng thắn: “Tôi thấy có một nghịch lý trong thanh niên hiện nay là học hành có đỡ hơn nhưng để có được việc làm sau khi ra trường, có mức thu nhập ổn định để nuôi sống gia đình, mong muốn có được môi trường rèn luyện tốt… thì vẫn đang gặp những khó khăn. Chính vì vậy, Đoàn phải thể hiện vai trò của mình trước những vấn đề của thanh niên đang cần như thế nào là điều cần phải chú trọng quan tâm nhiều hơn”…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nhấn mạnh: Tinh thần của Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư Đoàn tiếp thu ý kiến sâu sắc của các đồng chí đối với dự thảo báo cáo. Từ tiêu đề đến những vấn đề của thanh niên hiện nay; Hình mẫu thanh niên, phong cách cán bộ Đoàn cần xác lập tiêu chí như thế nào; Phải làm sao cho ra, cho đạt. Phong trào cho từng đối tượng là vấn đề cần chú ý. Đoàn tương tác với phong trào chung ra sao? Chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn sẽ như thế nào cho phù hợp... Những ý kiến đóng góp trong hội nghị này sẽ được ghi chép đầy đủ trên tinh thần đổi mới để làm sao văn kiện tạo ra nguồn cảm hứng đối với thanh niên, đối với xã hội. Ban Bí thư T.Ư Đoàn sẽ tiếp tục cụ thể hóa các ý kiến đóng góp này.
Bình luận (0)