Giúp thanh niên khởi nghiệp

09/05/2017 10:08 GMT+7

Rất nhiều ý kiến cho rằng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 cần đề ra những quyết sách hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giúp thanh niên khởi nghiệp...

Chi đoàn tự tạo kinh phí


Đoàn cần trang bị các kiến thức cơ bản về sáng tạo khởi nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh, hình thành và phát triển các ý tưởng kinh doanh

Phong Huỳnh Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp phía nam

Công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi tại các xã vùng cao miền núi hiện nay có nhiều khó khăn, cả về trình độ chuyên môn của cán bộ Đoàn cơ sở và nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động.
Mỗi năm, Đoàn thanh niên các cấp đều dự kiến các chương trình, hoạt động lớn thường kỳ, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều chương trình, hoạt động phát sinh, không nằm trong kế hoạch. Ở những đơn vị chỉ dựa vào nguồn kinh phí được cấp hằng năm, sẽ không thể đủ trang trải cho các hoạt động công tác Đoàn tại địa phương. Cũng từ thực tế này, tôi nghĩ T.Ư Đoàn phải có chủ trương, gợi ý và nhân rộng các mô hình chi đoàn, Đoàn cơ sở có sự chủ động tạo ra nguồn kinh phí, xã hội hóa, thay vì phụ thuộc vào cơ chế xin - cho như lâu nay.
Vấn đề ở đây là chúng ta có nên chấp nhận điều đó hay phải nghĩ cách, đưa ra các biện pháp để tự gây dựng nên nguồn quỹ Đoàn của đơn vị mình? Ở những thành phố lớn, các đơn vị rất sáng tạo trong cách tìm nguồn quỹ hoạt động, có thể tổ chức góp vốn kinh doanh các gian hàng thanh niên, mở nơi rửa xe, trông xe hoặc tham gia các hoạt động khác để huy động kinh phí. Ở các huyện nghèo vùng cao, điều đó rất khó thực hiện nhưng nếu sáng tạo, linh động thì việc tìm kiếm nguồn kinh phí cho hoạt động Đoàn là không khó.
Dẫn chứng tại địa bàn H.Bát Xát (Lài Cai), chúng tôi trực tiếp xuống cơ sở và định hướng cho các đơn vị, các chi đoàn thôn bản trong tham gia phát triển kinh tế, gây quỹ. Cụ thể, thông qua chính quyền địa phương, Đoàn mượn quỹ đất để canh tác, trồng rừng với những cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó, thành công nhất là mô hình trồng cây sa nhân tím tại thôn Sải Duần (xã Phìn Ngan) đem lại nguồn thu nhập tương đối cao. Sa nhân tím khô giá từ 270.000 - 300.000 đồng/kg, với diện tích 1 ha đất mà Đoàn nhận canh tác, sau 3 năm sẽ thu hoạch được khoảng 120 - 125 kg/ha, vậy là Đoàn xã đã có thể có thêm khoảng 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, đây là loại cây có thời gian thu hoạch dài, nên thanh niên linh hoạt mượn thêm quỹ đất bỏ không để trồng ngô, lạc, lúa, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Theo đó, hằng năm số tiền hoạt động của chi đoàn có thêm không dưới 10 triệu đồng/năm.
Còn tại xã Bản Vược, Đoàn thanh niên xã chủ động mượn đất để trồng cây bạch đàn, sau 5 năm đã góp quỹ trên 55 triệu đồng... Cá nhân tôi cho rằng đội ngũ cán bộ Đoàn đa số năng động, tư duy sáng tạo nhưng ở phạm vi toàn quốc, T.Ư Đoàn nên có nghiên cứu, đánh giá thực tế từ các mô hình tự tạo kinh phí hiệu quả, nhân rộng, định hướng cho tổ chức Đoàn cơ sở đảm nhận các công trình, phần việc để vừa tham gia phát triển kinh tế địa phương, vừa có thêm nguồn kinh tế giải bài toán khó khăn về kinh phí tổ chức hoạt động Đoàn đã tồn tại trong nhiều năm qua.
Nguyễn Tuấn Hùng (Chủ nhiệm CLB Kết nối tuổi trẻ, Huyện đoàn Bát Xát, tỉnh Lào Cai)
P.Hậu (ghi)
Bổ sung chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Tôi muốn góp ý cho Đại hội Đoàn ý kiến về một vấn đề đang rất thời sự hiện nay của thanh niên là khởi nghiệp. Trong hướng dẫn góp ý chưa nói đến vấn đề này, tôi nghĩ là nên bổ sung.
Theo đó, cần có chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp với tên gọi “Thanh niên khởi nghiệp”. Nên có chương trình riêng cho từng đối tượng cụ thể. Đầu tiên là hỗ trợ cho đối tượng sinh viên khởi nghiệp. Đó là sinh viên năm cuối. Trang bị các kiến thức cơ bản về sáng tạo khởi nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh, hình thành và phát triển các ý tưởng kinh doanh. Giúp sinh viên đánh giá tính khả thi của kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ các kỹ năng tiến hành thử nghiệm ý tưởng kinh doanh trên thị trường, tìm kiếm và liên kết với các đơn vị cung cấp các nguồn tài trợ ươm mầm cho các dự án khả thi.
Đối tượng thứ hai của chương trình là hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Giúp phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên. Mục tiêu là cung cấp các kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn. Tư vấn cho các dự án khởi nghiệp của thanh niên nông thôn từ lúc bắt đầu phát sinh ý tưởng kinh doanh cho đến khi thương mại hóa sản phẩm.
Cả 2 chương trình này cần có sự hỗ trợ của Đoàn. Hình thức thực hiện sẽ là tổ chức các lớp học về khởi nghiệp để cung cấp kiến thức về tư duy sáng tạo, sàng lọc ý tưởng, lập kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ pháp lý, kết nối các kênh phân phối… Thêm vào đó là tổ chức hội thi cho từng đối tượng về khởi nghiệp, những dự án đạt kết quả cao sẽ được đầu tư để ứng dụng vào thực tế.
Phong Huỳnh (Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp phía nam)
Đăng Nguyên (ghi)
Cần có trung tâm giúp người trẻ giãi bày tâm sự
Ngoài các nhu cầu căn bản, thanh niên ngày nay còn có những nhu cầu cao hơn, đó là không gian làm việc thích hợp, vui chơi giải trí lành mạnh và thiết lập những mối quan hệ xã hội mới. Tuy nhiên, để hòa vào nhịp sống hiện đại đầy năng động, thách thức như hiện nay và làm sao cho hài hòa những vai trò trong xã hội như công việc, gia đình, quan hệ đồng nghiệp - đối tác, vui chơi giải trí... là một vấn đề không đơn giản. Theo tôi, Đoàn nên thành lập một trung tâm tư vấn, hỗ trợ chính thống để khi bạn trẻ gặp những khó khăn nào đó trong cuộc sống, họ biết tìm đúng địa chỉ để “gõ cửa” giãi bày tâm sự và những người ở trung tâm ấy sẽ đóng vai trò tư vấn, định hướng cho người trẻ.
Vũ Hoàng (Kỹ sư công nghệ thông tin, ngụ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Lê Thanh (ghi)

tin liên quan

Khởi nghiệp phải 'thực tế'
Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại buổi đối thoại với hàng trăm thanh niên xung quanh chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp” tổ chức hôm qua 29.3, dưới sự chủ trì của đại diện lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng.
Tạo điều kiện để thanh niên mua được nhà ở xã hội
Trong cuộc sống hiện tại, không chỉ riêng tôi mà bạn bè đồng trang lứa nhiều khi cảm thấy khó khăn trong chuyện an cư để ổn định cuộc sống, chú tâm phát triển công việc để làm giàu cho bản thân, gia đình và xa hơn là góp phần phát triển xã hội. Vì vậy, tôi mong muốn Đoàn thường xuyên nắm bắt, cập nhật tình hình của thanh niên đang gặp khó khăn trong cuộc sống để kịp thời hỗ trợ. Đoàn cũng cần liên kết với các tổ chức xã hội, tạo điều kiện để thanh niên có thể tham gia mua được nhà ở xã hội của nhà nước.
Trần Thị Thúy (Nhân viên kinh doanh một công ty nước ngoài tại Q.5, TP.HCM)
Lê Thanh (ghi)
Chưa sẵn sàng trở thành công dân toàn cầu
Tôi cảm thấy bạn trẻ ngày nay vẫn còn thiếu một môi trường giải trí lành mạnh trong khi môi trường học tập dễ gây nhàm chán; thiếu năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin trong một thế giới thông tin có phần hỗn loạn, thậm chí không có thói quen đọc và yếu kém về năng lực viết/trình bày và khả năng giao tiếp.
Nhiều bạn trẻ học tập, làm việc mà không có mục tiêu, định hướng nghề nghiệp rõ ràng trước một thị trường lao động đầy cạnh tranh. Các bạn chưa sẵn sàng cho một thế hệ công dân toàn cầu.
Mong Đoàn đóng vai trò trung gian, làm sao kết nối chặt chẽ giữa sinh viên với giảng viên; nhà trường và tổ chức khác trong xã hội nhằm tạo ra một sân chơi đời thực và xuyên suốt cho sinh viên.
Tiến sĩ Võ Nguyên Sơn (Giảng viên Trường ĐH Duy Tân)
Mỹ Quyên (ghi)
Giúp người trẻ định hướng nghề nghiệp
Trong quá trình tìm hiểu về nghề nghiệp, tôi thấy tổ chức Đoàn cần chủ động tham gia hỗ trợ tạo dựng nghề nghiệp cho thanh niên. Chẳng hạn Đoàn cần phối hợp với các doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho thanh niên, xây dựng hệ thống thông tin các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, đào tạo nghề để thanh niên truy cập khi có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm.
Nguyễn Đức Tân (Học sinh lớp 11 Trường THPT Ninh Giang, Hải Dương)
Bích Thanh (ghi)
Cần đẩy mạnh hoạt động Đoàn trên mạng xã hội
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2017 - 2022 là công tác giáo dục. Trong đó có đưa ra giải pháp đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong thời đại mạng xã hội phát triển và chiếm lĩnh cuộc sống giới trẻ như hiện nay thì còn cần thiết phải xây dựng đề án tuyên truyền qua mạng xã hội. Đồng thời với nó là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phát triển mạng xã hội để có thể kết nối với đoàn viên, thanh niên.
Thông qua các hoạt động đó để định hướng giới trẻ trong việc sử dụng mạng xã hội một cách tích cực, hiệu quả. Thay vì sử dụng không mục đích thì tận dụng mạng xã hội để phục vụ tốt nhất cuộc sống bản thân như: học tập, nghiên cứu, việc làm, lối sống...
Bảo Châu (Trường CĐ Bách Việt, TP.HCM)
Hà Ánh (ghi)

tin liên quan

Việt Nam – Singapore hợp tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Nhận lời mời của Hội đồng Thanh niên quốc gia Singapore (NYC), từ ngày 27 - 31.3, đoàn đại biểu thanh niên VN do Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN Nguyễn Long Hải dẫn đầu, đã sang thăm và làm việc tại Singapore.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.