Nhiều góp ý tâm huyết cho quy hoạch bảo tồn di tích cố đô Huế

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
11/10/2023 20:04 GMT+7

Các chuyên gia đầu ngành về kinh tế, quy hoạch, xây dựng, văn hóa, bảo tồn... đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Ngày 11.10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội thảo quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để lấy ý kiến các chuyên gia, các sở, ban, ngành địa phương để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình Bộ VH-TT-DL thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến trong tháng 1.2024.

Nhiều góp ý tâm huyết quy hoạch bảo tồn di tích cố đô Huế - Ảnh 1.

Kinh thành Huế nhìn từ trên cao

V.T

Hội thảo quy tụ các thành viên chủ chốt của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực kinh tế, quy hoạch, xây dựng, văn hóa, bảo tồn như GS-TS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, PGS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính,  PGS.TS Trần Đình Thiên, GS-TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ VH-TT-DL, PGS-TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, GS-TS Nguyễn Văn Kim - Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia...

Nhiều góp ý tâm huyết quy hoạch bảo tồn di tích cố đô Huế - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu khai mạc hội thảo

BÙI NGỌC LONG

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, để thực hiện lộ trình xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay, Thừa Thiên - Huế đang triển khai lập và trình duyệt 3 đồ án quy hoạch gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Gợi mở các nội dung thảo luận tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các đại biểu tập trung vào những nội dung chính như: bối cảnh vùng, các điều kiện tự nhiên và hiện trạng di sản; tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu; các tiền đề về bảo tồn di sản và phát triển bền vững; dự báo phát triển và các chỉ tiêu chủ yếu; quy hoạch phân vùng bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; định hướng phát triển không gian; khung sử dụng đất, hạ tầng kinh tế, xã hội và hạ tầng kỹ thuật; định hướng thiết kế đô thị và cảnh quan văn hóa; dự báo tác động và đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường; các vấn đề kinh tế di sản và giải pháp thực hiện quy hoạch... Lãnh đạo tỉnh mong muốn được lắng nghe để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình Thủ tướng phê duyệt.

"Huế là tài sản quốc gia và mang tầm quốc tế"

Sau khi nghe KTS Lê Quang Minh, đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch trình phương án quy hoạch, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhận xét, quy hoạch nêu tiêu đề là bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050, nhưng nội hàm của quy hoạch khi trình bày thì mọi người nhận thấy đây là quy hoạch đô thị Huế di sản, như vậy về tên gọi và hướng tiếp cận có vẻ chưa đúng phạm vi nghiên cứu. Thứ hai cũng có một vài chi tiết sai sót, nhầm lẫn, ví dụ như khi nói về thương cảng Thanh Hà, thì đơn vị tư vấn lại ghi là cảng Thanh Hà thuộc xã Quảng Thành là sai. Thương cảng Thanh Hà nằm ở phố cổ Bao Vinh, còn ở xã Quảng Thành (H.Quảng Điền) có một thôn tên Thanh Hà nhưng không liên quan gì đến thương cảng Thanh Hà thời chúa Nguyễn.

Nhiều góp ý tâm huyết quy hoạch bảo tồn di tích cố đô Huế - Ảnh 3.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam góp ý tại hội thảo

BÙI NGỌC LONG

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong ý kiến của mình đã đánh giá cao dự án tư vấn quy hoạch đã có nghiên cứu công phu và đề xuất nhiều phương án quy hoạch có giá trị. Đặc biệt, cách tiếp cận của phương án quy hoạch rất mới, đó là tiếp cận từ tương lai. Theo PGS Trần Đình Thiên, do công trình quá đồ sộ, quá công phu nhưng đưa ra trình bày trong một buổi như thế này thì sẽ không thể nào nghe và góp ý cho đúng tầm được mà cần phải có những buổi chuyên đề theo từng tuyến nội dung chuyên sâu để các chuyên ngành góp ý mới đảm bảo.

Về góp ý ở góc độ chiến lược quy hoạch với tư cách một chuyên gia kinh tế, ông Trần Đình Thiên đề nghị trước tiên phải nghiên cứu, làm sáng tỏ và định vị đô thị di sản Huế trên cơ sở những giá trị đặc biệt, riêng có, tiêu biểu như: Kinh thành Huế - quần thể di tích cố đô Huế còn được bảo tồn nguyên vẹn, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô là hệ sinh thái đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, biển Thuận An... 

Theo ông Thiên, quy hoạch phải làm sáng tỏ vai trò của Huế trong chuỗi tài nguyên quốc gia và quốc tế. Từ đó xác định Huế phát triển trên trụ cột cốt lõi nào. Tất nhiên, trước hết là nền tảng văn hóa, sau đó mới đến quy hoạch chiến lược về công nghiệp văn hoá như thế nào, kinh tế văn hoá, nông nghiệp, giao thông..., tất cả đều xoay quanh trụ cột chính văn hóa. "Phải xây dựng Huế trở thành một thành phố khác thường và mang đẳng cấp riêng, không có bất cứ nơi đâu có được. Phải định vị Huế là tài sản quốc gia và mang tầm quốc tế, lúc đó mới có cách tiếp cận xứng tầm cho phát triển", ông Thiên nói.

Nhiều góp ý tâm huyết quy hoạch bảo tồn di tích cố đô Huế - Ảnh 4.

GS-TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam góp ý cho quy hoạch tại hội thảo

BÙI NGỌC LONG

GS-TS Trần Ngọc Chính cũng đánh giá cao dự án nghiên cứu quy hoạch của đơn vị tư vấn nhưng cũng đề nghị có nhiều vấn đề phải nghiên cứu làm sáng tỏ thêm, trong đó đặc biệt là việc phát huy các giá trị Kinh thành Huế, văn hóa Huế, cảnh quan Huế, văn hóa lịch sử, kiến trúc, an ninh quốc phòng, giá trị phong thủy cảnh quan sông núi..., những giá trị mà không phải nơi nào cũng có được. 

Theo GS-TS Trần Ngọc Chính, phải xây dựng thành phố Huế mới trong sự kế thừa từ quy hoạch ban đầu theo ý tưởng của vua Gia Long, đến thời Pháp và đến cả quá trình chuyển tiếp quy hoạch cận hiện đại sau này với tầm nhìn hướng biển, phát triển về phía đầm phá Tam Giang - Cầu Hai hướng biển...

Ông Chính có đề nghị quy hoạch cần chú trọng đến tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng cùng an ninh nguồn nước, để từ đó có hướng giải quyết.

Trong góp ý của mình, PGS Đặng Văn Bài đặt vấn đề quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích cố đô Huế phải xác định công nghiệp văn hóa du lịch là động lực. Khác với cách tiếp cận quy hoạch tương lai mà PGS Trần Đình Thiên đánh giá cao, ông Đặng Văn Bài cho rằng quy hoạch bảo tồn đó phải mang lại lợi ích cho con người hiện tại, đang sống, chứ không phải quá chú trọng làm cho tương lai để người hiện tại bị gánh nặng. 

Ông Bài cũng đề nghị trong quy hoạch phải có tư duy kinh tế học về di sản, đề nghị tỉnh nghiên cứu xây dựng một số dự án liên ngành, ví dụ như phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng một dự án tạo ra sản phẩm hàng hóa về du lịch để bán không chỉ một lần mà nhiều lần và bán mãi mãi về sau. Có như vậy quy hoạch mới bảo tồn và phát triển được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.