Nhiều hãng đào bitcoin phá sản, đóng cửa vì giá tiền mã hóa rớt thảm

Thu Thảo
Thu Thảo
25/11/2018 12:03 GMT+7

Hoạt động khai thác bitcoin ở Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với cảnh phải đóng cửa, nghỉ đào vì giá bitcoin quá thấp đồng nghĩa với việc họ làm ăn không còn có lời.

Theo báo Anh Independent, đào bitcoin là hoạt động tạo ra đồng mã hóa mới bằng việc giải các phép tính phức tạp, đòi hỏi lượng điện năng khổng lồ. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận khai thác bitcoin lao dốc khi giá bitcoin trượt sâu. Nếu giá giảm quá mạnh, thì chuyện đào bitcoin không còn khả thi về mặt kinh tế.
Hôm 24.11, bitcoin có giá 4.321,9 USD, ethereum giá 123,15 USD, theo trang Coinmarketcap. Tổng giá trị tất cả các đồng bitcoin trong lưu thông đạt 75,16 tỉ USD, còn cả thị trường tiền mã hóa có giá 139,37 tỉ USD. Bitcoin mất gần 1/3 giá trị chỉ trong một tuần gần đây.
“Nạn nhân” lớn nhất đến nay của đợt đại hạ giá bitcoin có thể là Giga Watt, hãng đào bitcoin trụ sở tại Mỹ. Giga Watt nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 luật Phá sản Mỹ sau khi không thể trả nợ. Giga Watt có tài sản ước tính chưa đến 50.000 USD, trong khi nợ thì từ 10-50 triệu USD, theo tài liệu nộp lên tòa án.
"Doanh nghiệp bị phá sản và không thể trả nợ khi đến hạn. Cơ cấu lại doanh nghiệp theo Chương 11 luật Phá sản là cách tốt nhất cho doanh nghiệp và chủ nợ”, biên bản cuộc họp đặc biệt của các cổ đông Giga Watt viết.
Phần lớn hoạt động đào bitcoin là ở Trung Quốc, nơi chi phí điện thuộc hàng thấp nhất thế giới. Song bất chấp giá điện rẻ, hình ảnh và video về hoạt động đào bitcoin phải đóng cửa trên cả nước này đang lan rộng trên mạng xã hội.
Đơn cử, nền tảng khai thác bitcoin Suanlitou có trụ sở ở Hồng Kông thông báo trong tuần này rằng họ không thể thanh toán tiền điện trong 10 ngày vào tháng 11, theo South China Morning Post. Một nhóm các thợ đào tiền mã hóa Trung Quốc khác cũng tắt 20.000 dàn đào vì lợi nhuận giảm mạnh.
Tại Na Uy, chính phủ vừa loại bỏ trợ cấp giá điện đang cung cấp cho các thợ mỏ bitcoin. Tờ Aftenposten dẫn ngân sách nhà nước Na Uy cho hay từ năm sau, các công ty, cá nhân đào tiền mã hóa sẽ phải đóng thuế điện bình thường. Khi trợ cấp hạ, thợ mỏ phải cõng thuế cao hơn, nhận lợi nhuận ròng thấp hơn nếu không chuyển hoạt động sản xuất ra các nước lân cận như Thụy Điển, Đan Mạch.
“Na Uy không thể tiếp tục cung cấp các khoản ưu đãi thuế lớn của mình cho hình thức sản phẩm bẩn nhất của công nghệ mã hóa là bitcoin. Nó đòi hỏi rất nhiều năng lượng và tạo khí thải nhà kính trên toàn cầu”, đại diện nghị viện Na Uy Lars Haltbrekken cho hay.
Hiện không rõ tương lai của cả thị trường lẫn hoạt động đào tiền mã hóa sẽ đi đến đâu. Một số nhà phân tích cho rằng giá sẽ giảm thêm, trong khi nhiều người khác kỳ vọng thị trường hồi phục trước cuối năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.