Những năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, phát triển với tốc độ khá nhanh. Xu hướng điện hóa cùng với sự hỗ trợ từ chính sách giúp ngành ô tô Trung Quốc ngày càng đông đúc, cạnh tranh với hàng trăm thương hiệu ô tô lần lượt ra mắt. Ngay cả những "ông lớn" trong ngành ô tô thế giới như tập đoàn Toyota, Volkswagen… cũng "bám rễ" sâu vào thị trường Trung Quốc, lập nên nhiều liên doanh sản xuất, phân phối hàng loạt mẫu ô tô mới.
Sự xuất hiện của một loạt thương hiệu ô tô khiến thị phần ô tô tại Trung Quốc dần bị xé nhỏ
Ảnh: Carscoop
Sự góp mặt của một loạt thương hiệu ô tô khiến thị phần ô tô tại Trung Quốc dần bị xé nhỏ. Áp lực cạnh tranh ở thị trường nội địa cũng khiến nhiều hãng xe Trung Quốc không thể phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng khi "mang chuông đi đánh xứ người". Chính vì vậy, Chính phủ Trung Quốc hiện đang thúc đẩy một cách tiếp cận hợp lý hơn để tái cơ cấu lại ngành ô tô, thông qua việc hợp nhất các nhà sản xuất ô tô chủ chốt do nhà nước hậu thuẫn để tăng hiệu quả cũng như tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, còn để giảm tình trạng dư thừa cũng như chênh lệch quá lớn trong cán cân cung, cầu khi các nhà sản xuất ô tô "tăng tốc" trong cuộc đua điện hóa.
Trong bài phát biểu tại một sự kiện gần đây ở Bắc Kinh, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc, thuộc Hội đồng Nhà nước đã kêu gọi các nhà sản xuất ô tô tái cấu trúc và sắp xếp lại hoạt động. Trong đó, bằng cách tập hợp các nguồn lực phát triển và sản xuất là cách sẽ giúp các thương hiệu ô tô có vốn nhà nước có thể cạnh tranh hơn với các thương hiệu tư nhân.
Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc việc sáp nhập Dongfeng và Changan vào một tập đoàn
Ảnh: Autoindustriya
Theo Nikkei Asia, Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc đang giám sát khoảng 100 doanh nghiệp nhà nước trong ngành ô tô, trong đó Changan Automobile, Dongfeng Motor Corp và FAW Group…
Vào tháng 2.2025, truyền thông Trung Quốc đưa tin Chính phủ nước này đang cân nhắc việc sáp nhập Dongfeng và Changan vào một tập đoàn. Nếu điều đó xảy ra, sẽ tạo nên một tập đoàn ô tô có quy mô, năng lực hơn cả BYD đồng thời có thể trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc.
Một nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết: "Nếu thành hiện thực, việc tái cấu trúc sẽ là một bước tiến lớn hướng tới sự hợp nhất của ngành và có tầm quan trọng to lớn đối với ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc trong dài hạn".
Năm ngoái, Changan đã bán được 2,68 triệu xe, trong khi Dongfeng bán được 2,48 triệu xe. Tuy nhiên, cả hai đã không theo kịp BYD trong quá trình chuyển đổi sang xe điện.
Ngoài việc sở hữu thương hiệu riêng, hiện cả Changan và Dongfeng đều có những liên doanh với các hãng xe nước ngoài
Ảnh: Carscoop
Ông Ivan Li, một nhà quản lý quỹ tại Loyal Wealth Management nhận định: "Thông báo của hai công ty dường như chỉ ra khả năng sáp nhập của các công ty mẹ do nhà nước sở hữu, mặc dù họ không đưa ra lời tuyên bố rõ ràng về vấn đề này. Chính phủ Trung Quốc có thể coi việc hợp nhất là một cách để giảm cạnh tranh nội bộ và định vị tốt hơn cho ngành này để đạt được thành công lâu dài".
Hiện tại, ngoài việc sở hữu thương hiệu riêng, cả Changan và Dongfeng đều có những liên doanh với các hãng xe nước ngoài. Trong đó, Dongfeng liên doanh với Nissan, Honda, Peugeot và Citroen, trong khi Changan hợp tác với Ford và Mazda. Những liên minh này có thể làm phức tạp bất kỳ vụ sáp nhập nào, nhưng chúng cũng làm nổi bật giá trị chiến lược của cả hai công ty trên thị trường toàn cầu.
Bình luận