Triển lãm trưng bày hơn 350 hiện vật gồm hình ảnh, tư liệu, các loại nhạc cụ, đạo cụ, máy hát đĩa và đặc biệt là trang phục của các nghệ sĩ tiền bối như NSND Bảy Nam, NSND Phùng Há từng mặc để biểu diễn các vở cải lương nổi tiếng Đời cô Lựu, Lá sầu riêng...
Nói chuyện tại buổi tọa đàm “Tiền Giang, cái nôi của nghệ thuật cải lương”, GS-TS Trần Văn Khê cho biết: “Ngay từ trước năm 1920, tại Mỹ Tho, cải lương đã được phổ biến rộng rãi thông qua đĩa hát của hãng đĩa Tây Pathé Phono. Cụ thể, năm 1917, thầy Năm Tú mua lại gánh hát xiệc của ông André Thận (người đầu tiên đưa ca ra bộ lên sân khấu biểu diễn giữa những màn hát xiệc). Sau đó, thầy Năm Tú nhờ ông Trương Duy Toản đứng ra làm thầy tuồng và đặt những vở tuồng đầu tiên theo tích của “Kim Vân Kiều”. Năm 1918, thầy Năm Tú cho xây một rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ Tho và tụ họp được nhiều đào kép danh tiếng như: Tám Danh, Ba Du, Bảy Thông, Phùng Há, Năm Phỉ, Năm Thoàn… và được hãng Pathé Phono ghi âm lại. Đồng thời, thầy Năm Tú cho làm máy hát tại Việt Nam rồi đem bán khắp nơi. Nhờ vậy mà cải lương đã được phổ biến rộng rãi khắp thôn quê”.
Cùng thời với gánh thầy Năm Tú, GS-TS Trần Văn Khê còn nhắc đến Bạch Công Tử (tên thật là Lê Công Phước), tuy không phải người trong nghề nhưng ông đã cùng đi một lúc với ban nhạc đờn ca tài tử của ông Nguyễn Tống Triều sang dự cuộc đấu xảo thuộc địa tại Pháp năm 1906. Năm 1926, Bạch Công Tử gặp một người đam mê âm nhạc tài tử tên Nguyễn Ngọc Cương. Hai người đã hùn lại lập nên gánh Phước Cương rất hùng hậu và đã tập hợp tất cả các đào kép giỏi thời bấy giờ.
Hoàng Phương
Bình luận (0)