Hội thảo do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức. Tham dự hội thảo, ngoài các đại biểu trong nước còn có nhiều học giả đến từ các nước và vùng lãnh thổ như Anh, Ấn Độ, Indonesia, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, New Zealand, Philippines, Trung Quốc, Úc, Đài Loan…
Theo chương trình, hội thảo có 7 phiên. Từ phiên 1-6, các diễn giả lần lượt trình bày những vấn đề liên quan Biển Đông, như: đánh giá diễn biến; quan hệ quốc tế và trật tự dựa trên pháp lý; cân bằng quân sự và bán quân sự; các hoạt động trên biển: nguồn gốc của xung đột hay lĩnh vực để hợp tác; các khía cạnh pháp lý; và các sáng kiến thúc đẩy phát triển bền vững và hợp tác.
|
Trong phiên thứ nhất, giáo sư Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, sẽ trình bày tham luận về “Các lựa chọn chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông trong thời kỳ của Trump”. Trong phiên thứ 2, nguyên Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Colin Willett sẽ trình bày “Quan điểm của Mỹ về trật tự Biển Đông” và nhà nghiên cứu cấp cao Hideshi Tokuchi thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia, Nhật Bản trình bày tham luận về “Một góc nhìn từ Nhật Bản về trật tự Biển Đông”.
Trong phiên cuối cùng, các học giả sẽ tiến hành thảo luận nội dung và tiến trình về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), với tham luận “Liệu COC có thể thiết lập một khuôn khổ cho cơ chế hợp tác?” của giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách Đại dương thuộc Trung tâm Luật Quốc tế (CIL), Đại học Quốc gia Singapore. Hồi tháng 11, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã chính thức tuyên bố khởi động tham vấn và đàm phán về COC sau khi các ngoại trưởng hai bên thông qua dự thảo khung COC trước đó khoảng 3 tháng.
Bình luận (0)