Nhiều học sinh điểm THPT rất cao nhưng điểm đại học đáng 'thất vọng'
Tại buổi hội thảo về thành tích học tập bậc phổ thông dưới góc nhìn đổi mới tuyển sinh ĐH do Trường phổ thông liên cấp Edison tổ chức mới đây, vấn đề được quan tâm là đánh giá năng lực.
PGS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), chia sẻ: "Cứ đến thời điểm công bố điểm chuẩn tuyển sinh thì tôi lại hoảng hốt. Bởi vì nếu như tính cái cách thi ngày xưa theo khối A, B, C, D gì đấy thì thì tôi trượt rất xa. Thời gian gần đây thì sinh viên của chúng tôi điểm gần như tuyệt đối 29 - 30 điểm. Ví dụ như ngành của tôi là 29,5 điểm mới đỗ mà ngày xưa thì tôi 21,5 điểm đã là thủ khoa rồi, nên tôi hoảng lắm".
Bà Huyền nói bản thân "rất thích dạy sinh viên năm thứ nhất để cảm nhận được tất cả sự tươi mới và thay đổi của một thế hệ học trò mới, đặc biệt là kỳ học đầu tiên. Vì vào trường với điểm đầu vào quá cao cho nên các bạn ấy đầy tự hào và cũng có những ảo tưởng, rằng mình là những người giỏi nhất nước thì mới vào được khoa chúng tôi. Nhưng đến kỳ thi học kỳ 1, tất cả nhìn tôi bằng một ánh mắt có thể nói là hết sức thất vọng và buồn bực như thể mình bị oan.
Các em bảo rằng không thể tưởng tượng được ở phổ thông mình học giỏi thế, điểm tốt thế, được tuyển thẳng như thế, rất nhiều giải như thế… mà tại sao điểm môn của cô hay là môn của thầy nọ thế kia, lại thấp thế.
Điều mà chúng tôi muốn nói rằng hình như đâu đó vẫn còn có điểm vênh giữa giáo dục phổ thông với đầu vào của giáo dục ĐH… Các em chợt nhận ra là học ĐH, không phải học vì thành tích, vì không có thành tích nào ở đây cả, chỉ có mình đối diện với chính mình, với sự đầu tư của ba mẹ, với của thời gian, của bản thân để mình trở thành một cái người như thế nào mà có đạt được cái mục tiêu cuộc đời của mình hay không".
GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội, thì cho rằng: "Chính bởi vì các bạn ấy quen cách 'dạy kèm dỗ' ở bậc THPT. Nhưng lên ĐH thì phần 'dỗ' không còn nữa; chỉ có 'dạy' - giảng bài, giao bài. Thầy cô giảng bài xong, học sinh lĩnh hội được bao nhiêu trên lớp thì tốt, còn không thì phải tự mình tìm kiếm thông tin. Nhiều bạn sang đến các học kỳ sau thì điểm cao lên; bởi vì lúc đó các bạn biết không còn ai 'dỗ' mình nữa, nên phải tự học".
Về kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức, GS Thảo cho biết: "Có những học sinh ở nhà học rất giỏi, trên lớp giỏi, nhưng thi xong tự dưng không tự tin vào khả năng của mình. Bởi vì chúng tôi không hỏi theo cách kiểm tra kiến thức thông thường. Bài đánh giá có thang điểm 150 thì các bạn ấy được khoảng 70, 80 điểm. Bạn ấy không tin được việc đó, ngay cả bố mẹ cũng nhắn hỏi trên các diễn đàn, tại sao điểm của con lại thấp như thế, mà bình thường cháu học rất tốt cơ mà".
Theo ông Thảo, nhìn chung đang có độ vênh nhất định giữa đào tạo bậc THPT và bậc ĐH. Có những trường, kỳ phỏng vấn tuyển sinh đã phát hiện ra các học sinh có thực sự mong muốn vào trường không thì hóa ra đó là mong muốn của... phụ huynh.
"Chính vì thế người ta mới phải suy nghĩ ra những cách thức khác nhau để tuyển sinh, tuyển dụng được người không những giỏi, mà còn phải đúng. Đúng ở đây nghĩa là phù hợp. Người làm công tác tuyển sinh sẽ thích thú hơn rất nhiều khi tuyển được những người phù hợp, yêu thích ngành học. Chỉ như vậy mới có hy vọng ra trường các bạn mới đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp", GS Thảo chia sẻ.
Bài thi năng lực không thiết kế để học kiểu "cấp tốc"
Từ cách thi đánh giá năng lực như vậy, GS Thảo cho rằng dù là chương trình phổ thông cũ hay mới thì khi tốt nghiệp bậc THPT, cần đạt được những năng lực gì về xử lý số liệu, về tư duy, về logic hay là về ngôn ngữ, về hành văn, ngữ pháp hay khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…
Bài thi đó không chỉ đòi hỏi là phải nhớ kiến thức, bởi nếu một công thức chỉ thuộc làu làu mà không biết nó để làm gì, được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống thì cũng không được cho là hiểu vấn đề.
"Chúng tôi cố gắng thiết kế bộ công cụ đánh giá tương đối toàn diện từ năng lực về mặt tư duy, về mặt kiến thức, về mặt ngôn ngữ cho đến khoa học, nghệ thuật, xã hội. Qua kỳ thi đó, bạn sẽ bộc lộ tất cả những gì mình tích lũy. Chính vì vậy mà dù có thi nhiều lần cũng không thay đổi kết quả nhiều lắm", ông Thảo nói.
GS Thảo cũng thông tin: thống kê năm 2022 có 62.000 lượt thí sinh dự thi thì khoảng ¼ số đó là đi thi lại, nhưng kết quả cũng không thay đổi gì nhiều. Một là năng lực của chúng ta như vậy, hoặc là phải có thời gian để tích lũy, chứ không thể là tháng trước học, tháng này thay đổi ngay. Đánh giá của chúng tôi tương đối toàn diện là như vậy.
"Do vậy, bài thi đánh giá năng lực không được thiết kế cho những người học kiểu tích lũy một cách nhanh chóng để làm được mà năng lực là một quá trình tích lũy. Cho nên, ngay từ lớp 10, các em phải xác định phải xây dựng ngay từ bây giờ để tích lũy tương đối ổn, tương đối dày dặn", GS Thảo nhấn mạnh.
Quan trọng là cách tiếp nhận kiến thức cần thay đổi
Bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch Hội đồng hệ thống Trường phổ thông liên cấp Edison, nêu quan điểm: "Đây mới chỉ là những năm đầu thực thi chương trình phổ thông theo hướng phát triển năng lực, cho nên nhiều người có thể chưa hình dung hết và xã hội thì có những phê phán. Nhưng ở bên trong, chúng tôi hiểu đó là một quá trình rất lâu dài và ngành giáo dục cũng đã đi đúng hướng và hy vọng có những bước tiến quan trọng trong tương lai gần nhất có thể".
Bà Lê Tuệ Minh nêu hình dung: "Kiến thức cơ bản của những ngành khoa học cơ bản nó vẫn vậy, chúng ta dù có cập nhật thêm, nhưng quan trọng là cách thức chúng ta tiếp cận nó cần thay đổi. Thay vì học thuộc lòng thì các bạn được tự tìm hiểu, và khi hiểu rõ cốt lõi rồi thì đâu cần phải học thuộc lòng nữa. Chính vì vậy trong kết cấu chương trình, chúng tôi dành khoảng 30% thời lượng cho các dự án học tập của chính bộ môn đó, rồi có 30% nữa là là thời gian thực hành và ứng dụng kiến thức đó. Như vậy chỉ có khoảng 40% là lý thuyết hoàn toàn thôi".
Bà Minh cho biết, kết cấu chương trình đó đã giúp cho học sinh vừa có học, vừa có thực hành ứng dụng, vừa có mổ xẻ vấn đề để hiểu và nắm chắc kiến thức, hình thành năng lực về học thuật.
"Chúng tôi cũng không phân biệt dự án chính khóa theo môn học hay ngoại khóa theo sở thích, vì có tới 7 loại hình trí thông minh cơ mà. Có phải chỉ giỏi toán hay văn mới tạo nên những con người xuất sắc đâu", bà Lê Tuệ Minh chia sẻ.
Bình luận (0)