Ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, cho biết: “Năm nay toàn tỉnh có 12.744 HS đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm hơn 44%. Số lượng này tăng so với năm 2015. Trong đó, các trung tâm giáo dục thường xuyên và một số trường, tỷ lệ HS chỉ xét tốt nghiệp lên tới 90 - 100%.
Hầu hết các trường trong toàn tỉnh đều có khá nhiều HS không xét ĐH, CĐ”.
Các trường THPT có tỷ lệ không xét tuyển ĐH, CĐ cao của Nghệ An gồm: Phổ thông Năng khiếu TDTT tỉnh (100%), Đinh Bạt Tụy (96,97%), VTC (93,94%), Nguyễn Huệ (90,38%), Sào Nam (79,44%), Cửa Lò 2 (77,33%).
Lý giải cho việc này, ông Vinh cho rằng công tác phân luồng, hướng nghiệp của tỉnh trong những năm qua diễn ra khá tốt và hiệu quả. “Tại các trường, giáo viên hướng nghiệp cho HS ngay từ đầu. Theo đó, ĐH không phải là con đường duy nhất đi đến thành công. Những em học lực trung bình, chúng tôi định hướng cho các em tốt nghiệp xong đi học nghề để nhanh chóng ra trường đi làm. Trong số 44% chỉ thi để xét tốt nghiệp, đa số các em chọn học nghề do các trường nghề có ưu đãi về học phí và liên kết với doanh nghiệp để cam kết ra trường có việc làm ngay”, ông Vinh chia sẻ thêm.
Tại Trường THPT Di Linh (Lâm Đồng), năm nay số lượng HS không xét ĐH cũng tăng so với năm 2015. Ông Nguyễn Văn Chương, Phó hiệu trưởng, chia sẻ: “Do được định hướng nghề nghiệp nên một số em có học lực trung bình yếu lựa chọn con đường tốt nghiệp xong đi học nghề. Trong huyện cũng có khoảng gần 100 em biết lượng sức mình như vậy. Các em chủ yếu ở các xã vùng sâu vùng xa của huyện”.
Ở một số địa phương khác, tỷ lệ này cũng tăng như tỉnh Hòa Bình có 70% (5.600/8.100) HS chỉ xét tốt nghiệp, tăng 10% so với năm ngoái. Còn ông Nguyễn Đức Hoài, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, thông tin: “Toàn tỉnh có 2.800/6.200 HS chỉ xét tốt nghiệp, chiếm 50%, tăng so với năm trước. Đa số các em thuộc huyện nghèo, huyện xa học lực yếu nên không chọn học ĐH. Có trường đến hơn 90% như: Bác Ái, Thuận Bắc”.
Năm nay, TP.HCM cũng có 2.275 thí sinh không xét ĐH, đa số nằm ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Nguyễn Thị Bích Vy, Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết: “Lớp em có 37 bạn thì chỉ 10 bạn xét ĐH.
Trong số các bạn chỉ xét tốt nghiệp có một số đã đi làm, nay đi học để lấy bằng, còn lại là theo hướng học nghề”. N.V.H, Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, Q.5, TP.HCM, cũng chọn hướng học nghề. H. chia sẻ: “Với học lực của em thì học nghề sẽ tốt hơn. Thời gian học ngắn, có thể nhanh chóng ra trường kiếm việc làm để nuôi sống bản thân. Nhiều bạn khác trong lớp em cũng xác định như vậy”.
Bình luận (0)