Tờ South China Morning Post ngày 5.9 dẫn nghiên cứu của Trường đại học Bách khoa Hồng Kông cho thấy có đến 12% học sinh trung học cơ sở từng tiết lộ thông tin cá nhân của người khác trên mạng.
Trong số đó, các nam sinh thường đưa thông tin cá nhân của những người các em không thích, trong khi nữ sinh lại thường đăng/gửi thông tin của những người các em thích.
Trong khi đó, hơn 50% các em bị tiết lộ thông tin, hình ảnh cá nhân một cách ngoài ý muốn trên mạng xã hội hoặc các ứng dụng nhắn tin. Khoảng 16% các nạn nhân cảm thấy căng thẳng và 20% cảm thấy trầm cảm.
Khảo sát được thực hiện trên 2.120 học sinh cho thấy thực trạng đáng lo ngại của nạn “doxxing” - hành động tra cứu thông tin cá nhân người khác để lưu hành một cách ác ý. Từ “doxxing” ra đời vào khoảng năm 1990, xuất phát từ thuật ngữ của tin tặc và có nguồn gốc từ chữ “documents” (tài liệu).
Giáo sư Edward Chan, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết các nạn nhân cảm thấy không có chỗ nương tựa và không biết tìm nơi nào để giúp đỡ. Các em nghĩ rằng điều này không đáng để báo cảnh sát và các tổ chức xã hội thì không thể giúp.
“Một số em quyết định trả thù và điều này tạo thành chu kỳ không bao giờ chấm dứt”, ông Chan nói.
Theo nghiên cứu, 48% các nạn nhân cho biết họ trả thù bằng cách đăng thông tin cá nhân của thủ phạm lên mạng. Thông tin phổ biến nhất bị đưa lên mạng gồm hình ảnh, phim, tên, ngày sinh, số điện thoại di động và tên trường.
Trong khoảng 50% trường hợp, người tiết lộ là bạn cùng lớp nhưng khoảng 25% trường hợp là cha mẹ hoặc người thân. 25% còn lại cho biết họ không biết ai đã tiết lộ thông tin cá nhân.
Ông Chan cảnh báo các bậc cha mẹ nên cẩn trọng trước thông tin chi tiết về gia đình, kể cả việc đăng các hình ảnh lên mạng. Trẻ em cũng cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ thông tin cá nhân, ông khuyến cáo.
Bình luận (0)