Chia sẻ tại hội nghị du lịch do Chính phủ tổ chức sáng 15.11, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết ông mới đi Vân Hồ, (Sơn La), nơi Thủ tướng đã ghé thăm, động viên vợ chồng Tráng A Chu người Mông làm du lịch cộng đồng.
"Họ có 60 phòng homestay lúc nào cũng kín khách dù là bản rất heo hút. Tôi muốn nói điều đó để nói rằng tiềm năng du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của chúng ta rất lớn. Nếu các tập đoàn du lịch biết hỗ trợ thì tôi nghĩ rằng sẽ tạo ra kỳ tích", Bộ trưởng Hoan nêu.
Vì thế, ông Hoan đề nghị Thủ tướng và Bộ VH-TT-DL cần vẽ thêm cho bản đồ du lịch Việt Nam, mở rộng không gian du lịch mới. Rõ ràng du lịch nông nghiệp thực sự giúp chúng ta mở ra bản đồ du lịch mới từ những điểm sẵn có. Chúng ta nên có một tư duy mới về du lịch nông nghiệp, dù nó mang lại nguồn thu không lớn nhưng đó là sức sống của cộng đồng, là bản sắc văn hóa của các dân tộc.
"Tôi đi Tương Dương, Quỳ Hợp, Mường Lát cũng trao đổi với địa phương, phải chi các cộng đồng du lịch đang đầu tư ở Cửa Lò, Sầm Sơn chỉ cần kéo lên miền núi của Thanh Hóa, Nghệ An thì chúng ta thấy sẽ là sự kỳ diệu rất lớn, mở thêm tài nguyên du lịch, kéo dài thêm thời gian lưu trú của du khách", ông Hoan trăn trở và cho rằng việc này sẽ giúp cho cả cộng đồng bà con dân tộc với những sản phẩm OCOP, thổ cẩm, làn điệu… Không có gì quá khó nếu các tập đoàn "dấn" thêm chút nữa.
So sánh với du lịch Thái Lan, theo Bộ trưởng NN-PTNT, nền du lịch nông nghiệp nông thôn của Thái Lan phát triển dựa trên tiềm năng nông nghiệp. 4 quốc gia gần nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đều rất coi trọng điều này.
"Đây là hình ảnh quốc gia, hình ảnh thiên nhiên, di sản ông cha ông để lại, câu chuyện huyền thoại từ ngọn núi, con sông. Nếu ở Nghệ An, chúng ta kết nối dòng sông Lam lên tới Kỳ Sơn thì ta thấy rằng bản thân sông Lam là di sản. Nếu là sông Mã kết nối từ Mường Lát đổ xuống dưới cũng đã là di sản. Trên hành trình đó cư dân đã quần tụ bao đời, trở thành một điểm đến.
Thử quy hoạch sông Mã từ khi bước vào địa phận Thanh Hóa trải dài xuống, chỗ nào cũng có điểm dừng chân cho du khách được. Không cần quá lớn, chỉ cần chăm chút thêm sẽ trở thành một câu chuyện, du khách có thể ở hàng tuần, nửa tháng để trải nghiệm, khám phá đặc sắc Việt Nam", lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề xuất.
"Khách quốc tế giảm không phải do vướng thị thực"
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, sau khi luật Xuất nhập cảnh được Quốc hội thông qua, Bộ Công an đã triển khai chính sách visa, dịch vụ công cấp độ 3, 4 trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Tại các cửa khẩu, cảng hàng không, đều lắp và sử dụng cửa tự động rất thuận lợi cho khách du lịch xuất, nhập cảnh vào Việt Nam. Riêng đối với đơn phương miễn thị thực, từ khi thực hiện luật Xuất nhập cảnh, có 1,25 triệu lượt khách (tính đến tối 14.11) nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, tức là so với năm ngoái cao hơn 1,6 lần. Trong đó, cao nhất là Hàn Quốc 886.671 lượt, Nhật Bản 151.529 lượt, sau đó là Anh, Pháp, Nga.
Ngoài ra, còn có 26.000 người thuộc diện đơn phương miễn thị thực nhưng vẫn lựa chọn thị thực điện tử. Mỗi ngày, Bộ Công an trung bình trả lời hơn 7.000 thị thực điện tử. Đó là những trường hợp đủ điều kiện và xu hướng sử dụng thị thực điện tử chiếm tỷ lệ ngày càng cao.
Đặc biệt, 3 tháng vừa qua, so với cùng kỳ năm 2019 thời điểm trước dịch, khách quốc tế giảm 4%. Khách quốc tế diện đơn phương miễn thị thực giảm 15% so với trước dịch. Trung bình 1 khách nước ngoài lưu trú ở Việt Nam 7,7 ngày nhưng diện đơn phương miễn thị thực chỉ lưu trú trong vòng 3,8 ngày.
Ông Quang cũng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, sẽ phân tích khách nào thường xuyên quay lại, quay lại cư trú ở địa điểm nào để có những phân tích quản lý lưu trú, phục vụ du lịch.
"Qua những điều này cho thấy chính sách về thị thực, xuất nhập cảnh hết sức đồng bộ và thông thoáng. Do vậy, chính sách thị thực chưa phải là vướng mắc chính mà theo chúng tôi cần phải có sản phẩm du lịch, truyền thông du lịch và các yếu tố thúc đẩy du lịch khác", Thứ trưởng Bộ Công an nêu.
Ngoài kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật Du lịch, luật Đất đai, luật Kinh doanh bất động sản, lãnh đạo Bộ Công an cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định 34 về quy chế quản lý khu vực biên giới đất liền theo hướng miễn cấp giấy phép đi vào khu vực đất liền đối với người nước ngoài khi vào tham quan tại khu du lịch thuộc khu vực biên giới. Việc này đang làm thí điểm ở các tỉnh giáp biên với Trung Quốc, nếu có chính sách này sẽ tạo điều kiện thông thoáng hơn.
Báo cáo của Bộ Công an cho biết, tính từ 15.8 đến nay, có khoảng 5,6 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, tăng 1,8 lần so với năm 2022.
Về mục đích nhập cảnh, 85% lượt nhập cảnh với mục đích du lịch, 15% là với mục đích khác như đầu tư, làm việc, thăm thân, du học… Cụ thể, 25% nhập cảnh bằng thị thực điện tử, 25% nhập cảnh bằng thị thực và các loại giấy tờ thay thế mới, tức là ngoài thị thực điện tử thì vẫn có giấy tờ khác như thẻ tạm trú, thẻ APEC, hoặc giấy miễn thị thực đơn phương.
Trong đó, khách Hàn Quốc nhiều nhất, chiếm 27%, Trung Quốc chiếm 20%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 7%, Nhật Bản 6%, Hoa Kỳ 5%.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.