Bệnh viện Mắt TP.HCM đã có tổng kết chương trình phòng chống mù lòa các tỉnh, thành phía nam giai đoạn 2014 đến 6 tháng đầu năm 2023.
Với nhiệm vụ được phân công công tác chỉ đạo tuyến phụ trách tại TP.HCM, các tỉnh miền trung từ Phú Yên trở vào và các tỉnh thuộc ĐBSCL, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã xây dựng chương trình phòng chống mù lòa, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, thực hiện và hỗ trợ mổ mắt cho người dân các tỉnh.
Mổ gần 800.000 ca đục thủy tinh thể
Đầu tiên phải kể đến chương trình kiểm soát mù lòa do bệnh đục thủy tinh thể, đây là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu cho cộng đồng, đặc biệt là người lớn tuổi. Giai đoạn vừa qua, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã phối hợp các đơn vị đã phẫu nội, ngoại viện lên đến 799.325 ca.
Tiếp theo là chương trình kiểm soát bệnh võng mạc do đái tháo đường. Theo Bệnh viện Mắt TP.HCM, tỷ lệ bệnh đái tháo đường trong dân số ngày càng tăng, dẫn đến biến chứng về mắt gây giảm thị lực, cụ thể là bệnh võng mạc đái tháo đường ngày càng nhiều, đòi hỏi sự quan tâm và phát hiện sớm của bác sĩ nội tiết và bác sĩ nhãn khoa.
Giai đoạn vừa qua, Bệnh viện Mắt TP.HCM phối hợp các tổ chức, các bệnh viện sàng lọc bệnh võng mạc cho 96.117 bệnh nhân, trong đó 11.362 bệnh nhân được điều trị.
Ngoài ra, Bệnh viện Mắt TP.HCM còn phối hợp các đơn vị kiểm soát tật khúc xạ, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở cộng đồng, đặc biệt là lứa tuổi học đường. Thực hiện chương trình chăm sóc mắt học đường, đây là một chương trình đặc biệt nằm trong chương trình chăm sóc sức khỏe cho người dân TP. HCM.
Nhiều khó khăn
Tuy nhiên, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã nêu những khó khăn. Đó là dân số ngày càng đông cũng là 1 thách thức cho nhiệm vụ phòng chống mù lòa của cả nước.
Thiếu vật tư và trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo.
Cơ chế pháp lý cho việc vận hành, quản lý cửa hàng kính còn nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến việc triển khai cửa hàng kính thuốc ở bệnh viện.
Cơ chế đấu thầu vật tư thiết bị y tế còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến các chương trình cung cấp kính miễn phí cho người dân dù đã có nguồn kinh phí tài trợ từ các nhà hảo tâm. Dịch vụ khúc xạ tư nhân phát triển mạnh nhưng chưa có sự quản lý chặt chẽ về chuyên môn.
Ban chỉ đạo phòng chống mù lòa TP.HCM chưa được cập nhật và tái bổ nhiệm từ năm 2012 đến nay, hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Bệnh viện Mắt TP.HCM kiến nghị gì?
Với những khó khăn như đã nêu trên, Bệnh viện Mắt TP.HCM cho rằng, thời gian tới cần có pháp lý thuận lợi giúp hỗ trợ việc mua sắm và đầu tư trang thiết bị; thực hiện nhiều chương trình khám tầm soát, điều trị và phục vụ công tác đào tạo.
Sớm kiện toàn Ban chỉ đạo mới về phòng chống mù lòa của TP.HCM, giúp công tác giám sát và hỗ trợ các hoạt động được thực hiện hiệu quả hơn.
Thực hiện các nghiên cứu khoa học đa trung tâm với sự phối hợp của nhiều cơ sở điều trị. Công nghệ thông tin hỗ trợ xây dựng dữ liệu lớn, xác định mô hình và tỷ lệ bệnh tật được cập nhật hàng quý, hàng năm.
Ngày 31.12.2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chương trình với 4 mục tiêu đến năm 2030:
- Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 12/1.000 dân.
- Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 3,5/1.000 dân, trong đó tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 95%.
- Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 75%.
- Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt trên 95%.
Bình luận (0)