Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), năm 2023, một số địa phương vẫn đang xây dựng và hoàn thiện hồ sơ thành lập mới các khu rừng đặc dụng.
Cụ thể như: Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng tại H.Kim Bảng (Hà Nam), với diện tích 3.182 ha; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Quảng Châu (Quảng Ninh), với diện tích đề xuất là 18.278 ha; Khu bảo vệ cảnh quan bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), với diện tích khoảng 132 ha.
Bên cạnh đó, một số khu đang xây dựng hồ sơ đề xuất nâng cấp, chuyển hạng từ khu dự trữ thiên nhiên thành vườn quốc gia như: Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa), Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (Lào Cai), Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk).
Đại diện Cục Lâm nghiệp thông tin thêm, năm 2023, hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo nguồn lực tài chính quan trọng, góp phần giúp các ban quản lý khu rừng đặc dụng, phòng hộ quản lý, bảo vệ rừng, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương; đặc biệt là đồng bào dân tộc và người dân sinh sống ở khu vực miền núi tại vùng đệm các khu rừng đặc dụng và giáp ranh các khu rừng phòng hộ.
Theo số liệu tổng hợp từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng T.Ư, năm 2023, cả nước có trên 228 ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhận được kinh phí chi trả từ dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích rừng được chi trả là trên 4,3 triệu ha và tương ứng với tổng số tiền là trên 1.663 tỉ đồng.
Cụ thể, có 75 ban quản lý rừng đặc dụng được chi trả 1,35 triệu ha rừng, tương ứng với số tiền được nhận là 441 tỉ đồng và có 153 ban quản lý rừng phòng hộ được chi trả trên 2,95 triệu ha rừng, tương ứng với số tiền được nhận là 1.222 tỉ đồng.
Tổng số tiền được hưởng từ dịch vụ môi trường của ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng đã được chi trả theo đúng quy định. Nguồn thu đã tạo sự ủng hộ của người dân trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững tài nguyên rừng.
Bình luận (0)