Giữa lãnh đạo VFF và các ông bầu VPF vẫn còn nhiều rắc rối chưa thể giải quyết - Ảnh: Bạch Dương - Khả Hòa |
Chưa chính thức ra đời nhưng trong quá trình chuẩn bị làm “giấy khai sinh”, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đã khiến các nhà sáng lập xảy ra bất đồng.
Ngay sau chuyến “thị sát” mô hình BTC giải đấu J-League tại Nhật Bản, ông Phạm Ngọc Viễn - Phó chủ tịch VFF, Trưởng ban Bóng đá chuyên nghiệp đã khẳng định rằng, một trong những chi tiết quan trọng mà VN sẽ học hỏi từ phía bạn là đưa Công ty VPF trở thành một thành viên của VFF sau khi được Bộ Nội vụ chấp nhận thay đổi điều lệ.
Tuy nhiên, ý kiến này đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức. Bầu Đức nhấn mạnh: “Đây không phải lần đầu tôi nói kỹ về việc Công ty VPF sẽ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Không thể có chuyện VPF sẽ chịu sự quản lý của VFF giống các thành viên khác như các CLB, các liên đoàn bóng đá tỉnh, thành phố...”.
Ông Đoàn Nguyên Đức nói tiếp: “Có thể VFF chưa hiểu rõ Luật Doanh nghiệp nên mới có quan điểm như vậy. VPF là dạng công ty cổ phần mà VFF được đóng góp cổ phần với tỷ lệ 35,6%, số còn lại thuộc về các CLB. Như vậy, VFF sẽ có quyền lợi, ăn chia lãi, biểu quyết theo đúng tỷ lệ góp vốn. Các CLB không có quyền áp đặt lên VFF và ngược lại, VFF cũng không có quyền áp đặt. Tất cả đều phải tôn trọng quy định của Luật Doanh nghiệp. VFF không có quyền đưa ra các quyết định cuối cùng nếu chưa nhận được sự ủng hộ của 65% số CLB”.
Cả ông Đức hay ông Viễn đều có lý do riêng để bảo vệ quan điểm của mình và không ai sai, nhưng cũng không hẳn đã đúng hoàn toàn. Ông Viễn không phải không có lý khi giải thích rằng, theo đặc điểm cơ chế chính trị tại VN, VFF vẫn là tổ chức xã hội được cơ quan quản lý nhà nước giao trách nhiệm quản lý các hoạt động của bóng đá VN. VFF cam kết sẽ không can thiệp sâu vào việc bầu bán nhân sự của VPF (trừ trưởng ban ban thi đấu, trọng tài, kỹ thuật phải là người của VFF) nhưng không phải vì thế mà “các ông bầu muốn làm gì thì làm”. Ông Viễn nói thêm, vì VPF là công ty cổ phần song có hoạt động rất đặc thù là điều hành hai giải đấu quan trọng nhất của VN nên VFF không thể chỉ là một cổ đông, dù đóng góp số vốn lớn nhất.
Cũng theo ông Viễn, các mô hình giải đấu của các nước trên thế giới và châu lục đều chịu sự quản lý của liên đoàn bóng đá quốc gia và VN cũng không nên nằm ngoài quy luật này. Trao đổi với Báo Thanh Niên, một quan chức của Tổng cục TDTT cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch khi nghe báo cáo về đề án, vẫn yêu cầu VFF phải bám sát VPF và không được buông lỏng, giao mọi quyền hành cho các ông bầu.
Tuy nhiên, khúc mắc của việc nếu coi VPF như một thành viên trực thuộc VFF lại đến từ chính điều lệ VFF được ban hành đầu năm 2010. Ngoài những chi tiết liên quan đến thủ tục như bắt buộc phải làm đơn xin làm thành viên, VPF còn phải tuân thủ những quy định trái với Luật Doanh nghiệp.
Chẳng hạn, trong trường hợp (chẳng may) VPF vi phạm quy định nghĩa vụ của thành viên được quy định tại điều 14 thì sẽ bị Đại hội VFF đình chỉ tư cách thành viên. Trong khi đó, theo điều lệ hoạt động Công ty VPF, VFF cũng chỉ đóng góp cổ phần mà một cổ đông không được quyền đình chỉ hoạt động của tổ chức mà mình tham gia góp vốn.
Hoặc tại điều khoản về nhiệm vụ quyền hạn của VFF là được sở hữu tất cả các quyền phát sinh từ các giải đấu, trong đó bao gồm các quyền về tài chính; quyền thu thanh, ghi hình; sản xuất; phát thanh, truyền hình; truyền thông đa phương tiện, quảng cáo, tiếp thị; các quyền khác theo quy định của pháp luật VN. Như vậy, nếu VPF nằm trong VFF thì chắc chắn sẽ xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa chính hai “bố con” bởi quảng cáo, tiếp thị… là một phần không thể thiếu được trong muôn vàn cách kiếm tiền của VPF.
Lan Phương
Bình luận (0)