Nhiều lãnh đạo miền Trung băn khoăn vì 'chưa biết hải sản an toàn hay chưa'

27/08/2016 17:03 GMT+7

Tại hội nghị, phần lớn lãnh đạo các địa phương bị thiệt hại vẫn tiếp tục băn khoăn khi hản sản chưa biết an toàn hay chưa.

Sáng 27.8 tại UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành liên quan; lãnh đạo, sở ban, ngành 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Đề xuất hỗ trợ tất cả các hộ hành nghề kinh doanh dịch vụ du lịch

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo ngày 10.9 tới là hạn chót các địa phương phải chốt và báo cáo phương án đền bù, hỗ trợ, khôi phục và phát triển sản xuất gửi T.Ư. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp đề xuất Chính phủ phân bổ tiền đền bù cho các địa phương.

Liên quan đến các chính sách an sinh xã hội, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục việc làm, Bộ Lao động thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, sự cố môi trường vừa qua “tỉ lệ thất nghiệp là không cao”. Cụ thể: ởThừa Thiên - Huế thất nghiệp là 3,5%, sau sự cố là 5,5%; Quảng Trị trước là 5,5%, sau sự cố là 7,0%; Quảng Bình trước sự cố tỉ lệ thất nghiệp là 2,1% sau sự cố là khoảng 16,4%.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL, cho hay sự cố môi trường do Formosa gây thiệt hại ngành du lịch không hề nhỏ và người hoạt động liên quan đến ngành nghề này mất thu nhập rất nhiều. Theo bà Bình, có đến 5 tỉnh du lịch bị ảnh hưởng là từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt các cơ sở lưu trú thiệt hại rất lớn, trong đó Hà Tĩnh và Quảng Trị là hai địa phương chủ yếu là đón khách nội địa nên chịu thiệt hại rất là lớn. Bà Bình đề xuất hỗ trợ đối với tất cả các hộ hành nghề kinh doanh dịch vụ du lịch.

Chưa được khai thác hải sản ở tầng đáy

Tại hội nghị, phần lớn lãnh đạo các địa phương bị thiệt hại vẫn tiếp tục băn khoăn khi hản sản chưa biết an toàn hay chưa.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vu Văn Tám (phải) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương chủ trì hội nghị - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, rằng Bộ NN-PTNT quá dựa vào Bộ Y tế về việc công bố mẫu kiểm nghiệm nên việc này rất chậm chạp.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói: “Hiện còn hai câu hỏi lớn chưa giải đáp là nuôi trồng như thế nào? Chất lượng hải sản ra sao? Ngoài ra, cần phải giải quyết rốt ráo hàng tồn kho trong thời điểm cá chết và có chính sách hỗ trợ tiêu hủy". 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, lãnh đạo bộ NN-PTNT thống nhất để ngư dân khai thác trên tất cả các vùng biển, không phân thêm tọa độ, tuy nhiên cần phải giám sát chặt chẽ việc đánh bắt, tiêu thụ hải sản an toàn và chưa nên khai thác ở 3 vùng nước xoáy (Sơn Dương - Hà Tĩnh, Nhật Lệ - Quảng Bình và Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế) như Bộ TN-MT công bố.
"Bộ NN-PTNT thống nhất chưa được khai thác hải sản ở tầng đáy bởi nó không chỉ là vấn đề an toàn thực phẩm mà ở tầng đáy các nguồn lợi thủy sản đang phục hồi, còn non cần được bảo vệ”, ông Tám nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.