Có rất nhiều lỗi dịch thuật trong cuốn sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng. Mong rằng nhà xuất bản, đơn vị liên kết sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp để điều chỉnh trong lần tái bản tới.
Cuốn sách đang gây xôn xao dư luận có nhiều lỗi dịch thuật cần được hiệu chỉnh |
Cuốn sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng của nữ tác giả Monique Brinson Demery, do NXB Hội nhà văn và Phương Nam Book hợp tác phát hành, Mai Sơn dịch, ngay khi vừa ra mắt trong những ngày đầu tiên của năm Bính Thân đã có sức thu hút mạnh mẽ. Bằng chứng là ngay sau khi phát hành, dù vẫn còn trong đợt nghỉ Tết dài, cuốn sách đã "cháy" hàng và lập tức được nối bản. Đợt sách tiếp theo xuất hiện đầu tháng 3 vừa qua tiếp tục nhận được sự săn đón của độc giả.
Chuyện này cũng là điều dễ hiểu, vì đây là lần đầu tiên một cuốn sách tư liệu về bà Trần Lệ Xuân được phát hành. Tác phẩm giới thiệu chân dung khá hoàn chỉnh về một nữ nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, người được thêu dệt với vô số giai thoại và điều tiếng. Bằng công sức gần 10 năm đeo bám nhân vật của tác giả, với ngồn ngộn tư liệu, cuốn sách cung cấp cho người đọc rất nhiều thông tin khách quan, giá trị, qua đó, vẽ nên hình ảnh người phụ nữ bí ẩn được báo chí phương Tây mệnh danh là "Rồng Cái", "người phụ nữ quyết định vận mệnh gia đình họ Ngô"...
Không thể phủ nhận giá trị thông tin và lịch sử của cuốn sách. Tuy nhiên, bản dịch còn một số thiếu sót, khiến những người cầm trên tay cuốn sách cảm thấy khó có thể hài lòng. Đây có thể là sự phối hợp thiếu ăn ý giữa dịch giả và biên tập viên, nhưng cũng có thể hiểu biết của họ về nhân vật, bối cảnh lịch sử, hoặc những kiến thức chuyên ngành chưa được đầy đủ, chính xác.
Ví dụ ngay từ phần đầu, sách đề cập bà Thân Thị Nam Trân, mẹ bà Lệ Xuân, là "công chúa", dù bà chỉ là "cháu ngoại của vua Đồng Khánh". Danh xưng này quả thật khó có thể chấp nhận, vì ở Việt Nam, danh hiệu công chúa chỉ dành cho con gái vua. Có thể dịch giả dịch thoáng từ chữ "princess" trong tiếng Anh, nhưng muốn dịch thành "quận chúa" cũng vẫn còn khiên cưỡng, vì bố của bà Nam Trân, ông Thân Trọng Huề, cũng không được phong tước quận công, một tước hiệu cao nhất của triều đình phong kiến.
Bản dịch ghi ông Ngô Đình Cẩn là "người anh chồng của bà Nhu" (trang 19) thì rõ ràng là một sai sót lớn, vì ai cũng biết ông Cẩn là em của ông Nhu. Đây chắc không phải là một sự vội vàng phút chốc của dịch giả trong việc chuyển ngữ từ "brother", vì ở gần cuối sách, trang 310, vẫn ghi rõ "Anh rể của bà, Ngô Đình Cẩn, vẫn còn ở Việt Nam sau đảo chính". Có lẽ dịch giả không nắm được thứ tự của các ông Nhu và Cẩn trong gia đình thật!
Một điểm nữa có thể cho thấy dịch giả có lẽ chưa hiểu rõ cơ cấu tổ chức của chính quyền Việt Nam thời Nguyễn, khi chuyển ngữ câu văn của bản gốc sang thành "người anh cả bây giờ đang làm thống đốc tỉnh". Chức vụ của ông Ngô Đình Khôi (Tổng đốc tỉnh Quảng Nam), trong tiếng Anh cũng gọi là "governor", nhưng ở Việt Nam, người đứng đầu chính quyền tỉnh không được gọi là thống đốc.
|
Cũng như vậy, ở trang 296, sách viết (sau cuộc đảo chính lật đổ ông Diệm), "Tướng Minh Lớn trở thành Tổng thống", có thể tác giả là người nước ngoài nên chỉ cần viết như vậy để nói về vai trò đứng đầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa của ông Minh. Tuy nhiên, trong bản dịch cho người Việt đọc, có lẽ nên dịch chính xác hoặc chú thích rõ chức vụ này khi đó gọi là "Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng", chức danh Tổng thống của chính thể này mãi đến năm 1967 mới được khôi phục.
Việc dịch giả ghi cho Đại tướng Mỹ Maxwell Taylor chức danh khó hiểu "Chủ tịch Liên quân" (trang 285) có lẽ cũng tương tự. Chức danh của ông Taylor khi đó là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân. Trang 337, việc dịch "Major General Tran Van Don" thành "Đại tướng Trần Văn Đôn" thì khá kỳ cục, ngoài ra chắc dịch giả cũng dễ dàng tra cứu ra rằng ông Đôn chưa bao giờ là Đại tướng cả.
Ngoài một số điểm nhỏ như viết ông Nhu săn được con "minh" (con min - bò tót, trang 154) hay "nghe phong phanh" (trang 289) hoặc "hai cái chết của ông Diệm và ông Du" (trang 300) có lẽ chỉ là các lỗi chính tả, hay chứng bệnh có tên kỳ cục "tâm thần bất toại" (trang 21) chắc do dịch giả không xem xét kỹ về thuật ngữ y học, phần dịch cũng để lại nhiều vấn đề vướng mắc về logic. Như đoạn nói về các con bà Nhu ở Đà Lạt khi cuộc đảo chính nổ ra "chúng đang được nghỉ hè" (trang 288) trong khi lúc bấy giờ là đầu tháng 11. Hoặc ở đoạn nói về việc sau cuộc đảo chính, ông Ngô Đình Thục đón các con bà Nhu ở Roma, sách viết "Bà Nhu vẫn còn ở Roma" (trang 298), trong khi chỉ lật qua vài trang sau, thì sách viết bà Nhu và con gái lớn đang ở California.
Có những phần chuyển ngữ khá máy móc đã khiến ý nghĩa trở nên rất kỳ cục, như câu nói về việc cha ông Nhu cho các con đi học ra sao: "Ở trường, ông yêu cầu họ theo học chương trình Âu châu. Ở nhà, ông dạy họ học tiếng phổ thông kinh điển" (trang 55). Ý câu này có lẽ nói ông Ngô Đình Khả dạy các con sách kinh điển nho giáo, chứ các nhân vật đều là người Kinh đang sinh sống ở Huế, lẽ đâu lại cần học lại... tiếng phổ thông? Câu "Cách biển Đông ở miền Trung đất nước bảy trăm cây số về phía tây nam, thành phố (Huế) là trung tâm của trí tuệ và tinh thần..." (trang 67) cũng khiến người đọc thắc mắc, không hiểu cái gì cách cái gì 700 km?
Cách dịch giả chú giải Truyện Kiều là "bài thơ" (trang 328) có lẽ cũng sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng việc "bê" nguyên cách dùng từ thế này sang bản dịch "Bà được "like" trên Facebook, Tweeted và Tumblred" chắc chỉ giải thích được rằng... dịch giả không thạo các thuật ngữ của người dùng mạng xã hội!
Dịch luôn là một việc khó, việc chuyển ngữ từ thứ tiếng này sang thứ tiếng khác, nhất là trong bối cảnh lịch sử cách xa nhiều thập niên trước đến nay càng không dễ dàng gì. Không thể phủ nhận công sức của dịch giả và giá trị của cuốn sách, nhưng hi vọng rằng nhà xuất bản, đơn vị liên kết sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp của độc giả, đặc biệt là giới nghiên cứu để hoàn thiện bản dịch, nhằm đưa ra sản phẩm tốt hơn trong lần tái bản tới.
Bình luận (0)