Nhiều lựa chọn xe đưa rước học sinh

07/09/2017 07:59 GMT+7

Vấn đề cần làm hiện nay không phải chỉ là hô hào các trường tham gia hoạt động xe đưa rước học sinh mà cần phải thay đổi cách làm và quan tâm nhiều hơn tới chính sách trợ giá.

Tại hội nghị tổng kết và triển khai hoạt động đưa rước học sinh (HS) trên địa bàn TP.HCM niên học 2017 - 2020 do Sở Giao thông vận tải và Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 6.9, nhiều hiệu trưởng tại các trường tiểu học, THCS, THPT đã nêu khó khăn vướng mắc khi tổ chức hoạt động xe đưa rước HS.
Nhiều chính sách không còn phù hợp
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, số lượng HS đi học bằng xe đưa rước theo hình thức hợp đồng có trợ giá từ tháng 1 - 5.2017 giảm hơn so với giai đoạn từ tháng 8 - 12.2016, và dự kiến có thể giảm nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Lý do, hiện nay thành phố chưa có cơ chế đầu tư phương tiện mới để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải nên không tạo được sức hút và sự tin tưởng đối với nhà trường, phụ huynh và HS.
Một nguyên nhân khác là UBND thành phố chấp nhận mức trợ giá đưa rước HS - sinh viên (SV) trên địa bàn thành phố là 2.830 đồng/lượt/HS-SV, riêng H.Cần Giờ là 3.537 đồng. Mức trợ giá này đã áp dụng từ năm 2006, đến nay có những điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế nên không khuyến khích được các doanh nghiệp vận tải thay đổi đầu tư và nâng cao chất lượng. Do đó, các doanh nghiệp hiện chỉ đang hoạt động cầm chừng.
Học sinh đi xe buýt thường đến trường trễ
Nhiều trường đã triển khai hoạt động đưa rước cũng nêu khó khăn trong quá trình thực hiện. Ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè), nêu khó khăn: “Khi tham gia hoạt động đưa rước HS thì thủ tục để được nhận trợ giá quá nhiều. Bên cạnh đó, vì không có người phụ trách nên nhân viên trong trường thường phải kiêm nhiệm”.
Một lãnh đạo Trường THPT An Lạc (Q.Bình Tân) cho biết: “Hiện tại rất nhiều HS của trường đang tham gia xe buýt chung của thành phố. Tuy nhiên, khi đi xe buýt không theo diện trợ giá thì HS thường tới trường muộn hơn so với những HS có người nhà đưa rước hoặc tự di chuyển”.
Mặt khác, số lượt trợ giá là 2 lượt/ngày/HS-SV cũng không còn phù hợp. Bởi theo số lượng thống kê của Sở GD-ĐT thì HS có nhu cầu học 2 buổi/ngày tăng cao (tăng 41,6% trong năm học 2015 - 2016 so với năm học 2013 - 2014) nên bình quân số lượt HS đi xe là 4 lượt/ngày. Vì lẽ đó, doanh nghiệp vận tải phải thỏa thuận tăng mức thu của phụ huynh để đảm bảo chi phí vận chuyển. Do không thống nhất nên nhiều phụ huynh phải tự đưa đón HS thay vì cho đi xe công cộng. Do đó, số lượng HS tham gia xe đưa rước ngày càng giảm.
Nên tổ chức theo cụm trường
Không chỉ những trường vùng ven, ngoại thành mới có nhu cầu sử dụng xe đưa rước mà nhiều trường ngay trong nội thành cũng có nhu cầu này. Đại diện Trường THPT Trưng Vương (Q.1) cho biết để tổ chức hoạt động đưa rước HS đạt hiệu quả, không nhất thiết cứ phải tổ chức theo từng trường riêng lẻ mà có theo cụm trường. Cụ thể, với tuyến đường như Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) có rất nhiều trường nên việc tổ chức xe đưa rước theo cụm sẽ rất thuận lợi.
Ngoài ra, để duy trì số lượng trường tham gia hoạt động đưa rước HS, Sở Giao thông vận tải sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ để tạo tiền đề đến năm 2020 đạt chỉ tiêu 15% HS tham gia đi lại bằng xe buýt. Theo đó, sẽ có các chương trình hỗ trợ vay, xây dựng cơ chế hỗ trợ lãi suất vay vốn từ ngân sách thành phố cho các doanh nghiệp vận tải đưa rước HS có trợ giá. Hiện đại hóa phương tiện đưa rước bằng các thiết bị thông minh như camera giám sát hành trình, giám sát xe, đầu đọc thẻ thông minh… Quan trọng hơn, mức trợ giá cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp và đa dạng hóa các hình thức đưa rước để HS, phụ huynh có sự lựa chọn.
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 có 15 - 20% HS tham gia hoạt động xe đưa rước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.