Huyện Phụng Hiệp có diện tích tự nhiên 48.481 ha, trong đó đất canh tác nông nghiệp chiếm 39.486 ha. Hiện sản lượng lúa, mía, cây ăn trái, thủy sản của H.Phụng Hiệp đứng tốp đầu của tỉnh Hậu Giang.
Lãnh đạo các cấp chứng kiến việc ký kết hợp tác phát triển kinh tế nông thôn ở Phụng Hiệp |
Quang Minh Nhật |
Thời gian qua, nhờ nông dân tích cực chuyển đổi các mô hình (cây trồng, vật nuôi, nông dân sản xuất giỏi, khởi nghiệp sáng tạo…) mà giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đã đạt 133,5 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/năm. Toàn huyện hiện có 1.018 mô hình sản xuất nông nghiệp cho lợi nhuận từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm. Huyện hiện có nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP (khóm MD2, chanh không hạt của HTX Phó Đường, dưa lưới của HTX Dưa Lưới Thuận Phát), VietGAP (mãng cầu xiêm của HTX Nông nghiệp Mãng Cầu Xiêm, lúa của HTX Thạnh Mỹ B, cá thát lát)… Riêng lĩnh vực OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm), Phụng Hiệp đã có 21 sản phẩm được công nhận, trong đó 17 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 3 sao.
Một sản phẩm OCOP trên địa bàn H.Phụng Hiệp |
Ông Hồ Văn Phú, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết 21 sản phẩm OCOP chủ lực của Phụng Hiệp thuộc về HTX Kỳ Như (8 sản phẩm), Cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây (4 sản phẩm), Công ty TNHH Nuôi trồng chế biến thực phẩm sạch Tân Phát (6 sản phẩm), HTX Hậu Giang Yên Bình An (1 sản phẩm), Cơ sở sản xuất trà mãng cầu xiêm Hồng Đoan (2 sản phẩm). Những sản phẩm OCOP này được khách hàng trong ngoài nước đánh giá cao bởi chất lượng và nhất là mẫu mã bao bì đóng gói trang nhã, bắt mắt.
Thời gian tới, Phụng Hiệp tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn và xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn, có sức cạnh tranh mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Văn Vui phát biểu tại hội nghị chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả tại H.Phụng Hiệp |
Theo ông Nguyễn Văn Vui, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, mô hình sản xuất của Phụng Hiệp phải thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân. “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng lúa, mía, vườn tạp kém hiệu quả sang cây trồng khác có thu nhập cao hơn; hình thành chuỗi giá trị sản xuất, lấy chất lượng, mẫu mã, khả năng cạnh tranh của sản phẩm làm mục tiêu phát triển; phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX thực hiện những giải pháp mang tính đột phá, khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP thành một phong trào lan rộng ở nông thôn; tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực kinh tế hợp tác, nòng cốt là HTX với diện tích, quy mô đủ lớn để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, sản phẩm sạch có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gắn với chuỗi giá trị trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi có nhu cầu xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn, đồng thời cho doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu nông sản, vùng nguyên liệu ổn định đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại”, ông Nguyễn Văn Vui thông tin.
Bình luận (0)