>> Hai ngày phát hiện 32 vụ kinh doanh thực phẩm bẩn
>> Bức xúc thực phẩm bẩn
>> Thưởng tiền cho người báo tin thực phẩm bẩn
>> Thông tư “hàng rong” vẫn còn... trên giấy !
>> “Chuyện nhỏ” gây khó lớn - Kỳ 2: Nỗi sợ mang tên hàng rong
>> Góp phần chia sẻ gánh nặng hàng rong
Học sinh vẫn vô tư với thực phẩm bẩn cổng trường
Tại cổng trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (phố Xuân Thủy, Q.Cầu Giấy), từ 10 giờ sáng, 4 hàng nem chua, xúc xích chiên rán bán rong trên xe đạp đã đông nghẹt học sinh, sinh viên.
|
Không găng tay sử dụng một lần, còn những túi, hộp nhựa chứa đồ ăn không nhãn mác, không thời điểm sản xuất, hạn sử dụng, trước đám đông thực khách đang nhao nhao gọi đồ ăn, người bán vô tư lấy những viên cá trắng dã, xúc xích váng mỡ đã chiên từ lâu, đựng trong một chiếc hộp nhựa lem nhem rồi rút que tre, thả vào chảo mỡ sôi. Tức thì viên cá đang nhăn nheo bỗng lại nở tròn xoe, chiếc xúc xích lại giòn thơm, hấp dẫn chẳng kém gì hàng mới rán.
Người ăn vẫn vô tư rút nem, xúc xích, cá viên vừa chiên nóng, chấm chung luôn cả vào lọ tương lớn. Điều nguy hiểm là những lọ tương ớt màu đỏ hấp dẫn này đều không có nhãn mác, được các chủ quán xách cả can lớn đặt ngay cạnh chỗ bán hàng rồi san vào các chai nhựa nhỏ.
|
Cổng chợ Nhà Xanh (phố Phan Văn Trường, Q.Cầu Giấy) từ 11 giờ trưa, hàng bán xoài dầm, sấu dầm... làm không kịp để phục vụ học sinh, sinh viên. Tay không gọt quả, người bán hàng xúc đường, muối và thứ bột màu đỏ như gạch non vào chiếc khay chứa cả trái cây cũ và mới, xóc đều lên, tức thì cả khay, xoài, cóc cũ, mới đều chuyển màu đỏ au.
Vì các món ăn trông quá hấp dẫn mà giá lại quá rẻ (nem chiên, nem chua chiên, cá viên chiên chỉ 2.000 đồng/que, 10.000 đồng/que xúc xích lớn chiên, 10.000 đồng cả một túi trái cây dầm hấp dẫn) nên người ăn vẫn đông nghẹt vào giờ tan học.
Vũ P.M học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Tất Thành vô tư: “Cháu ngày nào cũng ăn ở đây. Chưa bị đau bụng bao giờ. Bố mẹ cháu cũng hay mua xúc xích chiên cho hai chị em nên cháu không lo”.
Nhiều sinh viên khi nghe nhắc đến thông tư 30 của Bộ Y tế thì xua tay: “Chúng tôi ăn lâu nên dần quen và tin tưởng người bán. Nhiều lúc vội chẳng biết nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm không. Mắt mình thấy sạch sẽ là ăn thôi!”.
Thách thức với hàng quán trong phố cổ
Trong hai ngày qua, thông tư 30 của Bộ Y Tế vẫn chưa đến được với những người buôn bán thực phẩm đường phố và nhà hàng, quán ăn trong khu vực phố cổ Hà Nội.
Vốn diện tích nhỏ hẹp, đa phần các quán ăn đều phải lấy vỉa hè làm nơi kinh doanh. Những gia đình kinh doanh trong nhà đã nghe thời sự nói về thông tư 30 thì cho hay không thể lấy đâu ra đất để có thể có khu vực rửa tay, nhà vệ sinh cách biệt, ít nhất một bồn rửa tay cho đủ 50 người ăn, có ít nhất một nhà vệ sinh đủ cho 25 người.
|
Chủ một cửa hàng phở có tiếng trên phố Lý Quốc Sư cho biết không phải không muốn có khu vực rửa tay, nhà vệ sinh cho khách. Tuy nhiên, diện tích bán hàng đã quá nhỏ, người ăn nhiều khi phải đứng đợi nhau thì không thể xây dựng nhà vệ sinh cho 10 người, chứ chưa nói đến 25 người.
Bà Tuyết, chủ một quán chè trên phố Hàng Điếu cho biết cả diện tích ngồi của khách lẫn chủ chưa đầy 10 mét vuông. Nồi chè, bếp đã phải lấn ra vỉa hè, nếu thông tư 30 của Bộ Y tế quy định phải xây nơi rửa tay, nhà vệ sinh cho khách thì bà và nhiều người kinh doanh trong phố cổ đều... chịu thua.
Thực tế, tuy diện tích chật hẹp, nhiều khi khách đến nơi phải xếp hàng vào ăn và không có chỗ đi vệ sinh, rửa tay nhưng phố cổ Hà Nội tập trung những hàng quán ăn ngon nổi tiếng, do đó, lượng khách vào vẫn rất đông và vô tư sử dụng thực phẩm.
|
Hai ngày qua, theo quan sát của chúng tôi, dọc các tuyến phố Hàng Cót, Hàng Gà, Hàng Bồ, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến..., những quán ăn vỉa hè ban đêm vẫn tấp nập, cả người bán và người ăn đều không "hay biết" đến thông tư 30 của Bộ Y tế chính thức có hiệu lực từ 20.1.
Thúy Hằng
Bình luận (0)