Nhiều người bị 'ghép mặt' tống tiền

27/07/2024 06:23 GMT+7

Không chỉ giả mạo website ngân hàng để lừa đảo, đánh cắp thông tin, các đối tượng ẩn danh còn sử dụng công nghệ deepfake để khủng bố, tống tiền nạn nhân.

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị ghép ảnh khủng bố

Mới đây, Công an TP.HCM cho biết liên tục tiếp nhận thông tin trình báo của nhiều nạn nhân về việc bị ghép video, hình ảnh nhạy cảm bằng deepfake AI rồi gửi cho người thân quen trên mạng. Các nạn nhân bị đối tượng lừa đảo ẩn danh theo dõi trong thời gian dài trên mạng xã hội, sau đó kết bạn làm quen, chia sẻ các hoàn cảnh khó khăn đáng thương của gia đình… Từ đây, các đối tượng lừa nạn nhân để lấy thông tin liên quan các tài khoản Facebook, Zalo… và thực hiện sao chép hình ảnh cá nhân được đăng công khai trên trang cá nhân của nạn nhân, sau đó sử dụng deepfake AI để ghép thành các video, hình ảnh nhạy cảm rồi gửi cho người thân quen của nạn nhân để khủng bố, đe dọa và tống tiền.

Ảnh 1.jpg

Công an TP.HCM cảnh báo trường hợp lừa đảo, tống tiền bằng công nghệ deepfake AI

PA05

Trường hợp cụ thể, anh H. (ngụ Q.1, TP.HCM) trước đây nhận được tin nhắn kết bạn từ tài khoản Facebook có tên "Lê T Uyên". Qua các cuộc trò chuyện, "Lê T Uyên" chia sẻ nhiều câu chuyện thương tâm về gia đình, có ba đang bị ung thư giai đoạn cuối ở bệnh viện, mẹ cũng đang bị bệnh ở quê, bản thân Uyên không đủ tiền để cho ba mổ, không có tiền để cứu ba khỏi lưỡi hái tử thần. Anh H. đã xiêu lòng bởi cách nói chuyện rất chân thành, thiện tâm, hết lòng muốn cứu cha của Uyên.

Khi lấy được sự tin tưởng, Lê T Uyên ngỏ ý xin số Viber cá nhân của anh H., từ đó dùng thủ đoạn kỹ thuật xâm nhập điện thoại để lấy thêm thông tin khác ngoài hình ảnh/clip mà anh H. quay với đối tác, bạn bè đã đăng trên Facebook.

Từ Zalo, Facebook, đối tượng lấy được danh sách bạn bè, người quen của anh H. và sử dụng công nghệ deepfake AI để "chế biến" thành hình ảnh, clip nhạy cảm, đe dọa gửi đến danh sách người quen anh H. và yêu cầu anh chuyển 150 triệu đồng. Do không có tiền chuyển, bị làm phiền nhiều lần nên anh H. quyết định lên trình báo với cơ quan công an.

Ảnh 2.jpg

Một website giả mạo ngân hàng để lừa đảo

Chụp màn hình

Đặc biệt, một số lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị khủng bố bằng phương thức ghép ảnh để tống tiền, nếu không đưa tiền sẽ bị tung "clip nóng" lên mạng, gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Như ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, bị các đối tượng cắt ghép, phát tán hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội. Theo ông Huy, mục đích của các đối tượng là bôi nhọ danh dự, nhân phẩm và uy tín cá nhân ông, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Mai Linh. Trước nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng này, ông Hồ Huy đã phải nhờ đến công an vào cuộc điều tra.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, deepfake là công nghệ cho phép tạo ra video, hình ảnh hoặc âm thanh giả mạo với độ chân thực cao. Công nghệ này được phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng các thuật toán để phân tích và tái tạo các đặc điểm của khuôn mặt, giọng nói, cử chỉ của một người. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn An ninh mạng Athena, cho biết: "Công nghệ DeepFake hiện nay đang được các đối tượng lừa đảo sử dụng tinh vi hơn, cải tiến hơn nên chỉ cần có được thông tin hình ảnh cá nhân, việc sử dụng công nghệ để tạo ra video clip gần giống như thật rất dễ dàng. Để thực hiện việc tống tiền, các đối tượng sẽ tìm cách tiếp cận, làm quen, sau đó xin số Viber, điện thoại để lấy được danh bạ điện thoại người nhà, vợ chồng, con cái… của nạn nhân. Một số trường hợp tôi được biết có người bị tống tiền đến 2 tỉ đồng, sau đó vẫn chưa hết bị làm phiền nên mới báo công an. Hình thức lừa đảo tống tiền này là hành vi mới, rất nguy hiểm và cần phải được cảnh báo".

Mạo danh ngân hàng cho vay để lừa đảo

Đây là hình thức không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy. Trao đổi với PV Thanh Niên, chị H.L, ngụ Q.7 (TP.HCM), cho biết đầu tháng 7, do kẹt tiền đóng học phí cho con nên chị nghĩ đến vay ngân hàng. Đúng lúc này, một nhân viên tư vấn gọi đến, chào mời gói vay 30 triệu đồng với điều kiện thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Vốn rất cẩn thận nhưng trước những lời hứa hẹn chắc chắn của người này, chị H.L. đánh liều thử một lần xem sao. 

Sau khi cung cấp số tài khoản, thông tin cá nhân, chị H.L được cho biết tiền đã giải ngân vào tài khoản. Tuy nhiên, lấy lý do thông tin cư trú của chị cung cấp chưa chính xác, phía "ngân hàng" đã treo khoản vay của chị H.L. Để xử lý sự cố trên, nhân viên tư vấn yêu cầu chị H.L đóng một khoản phí là 6 triệu đồng, sau đó sẽ hoàn trả đủ 36 triệu đồng (bao gồm khoản vay và tiền ứng ra). Lúc này, chị H.L đã cảnh giác sợ bị lừa, nhưng người kia tiếp tục hứa hẹn, lấy tính mạng gia đình, con cái ra thề thốt, chị H.L mềm lòng và đi mượn người thân 6 triệu đồng để đóng. Cái kết cuối cùng như rất nhiều trường hợp bị lừa khác, chị H.L không nhận được tiền giải ngân mà nhân viên tiếp tục viện lý do này nọ để yêu cầu chị đóng thêm tiền. Đến lúc này chị H.L nhận ra đã bị lừa và chỉ biết tự trách bản thân sao quá dễ tin người rồi bị thao túng tâm lý.

Bên cạnh đó, giả mạo website ngân hàng để tạo lập niềm tin, lôi kéo các nạn nhân đang trong lúc khó khăn, bế tắc, sau đó chiếm đoạt tài sản là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến đã được Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cảnh báo. Mới đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin đã kiểm tra, rà soát và phát hiện thêm 68 trang thông tin điện tử (website) giả mạo thương hiệu của các cơ quan, tổ chức để lừa đảo người dùng. Trong đó có đến 28 website giả mạo ngân hàng, 2 website giả mạo trang thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội VN và 1 trang giả mạo website của Thanh tra Chính phủ.

Ảnh 4.jpg

Ảnh 3.jpg

Danh sách website giả mạo ngân hàng, sàn thương mại điện tử

Cục An toàn thông tin

Trong số 28 website giả mạo, có nhiều ngân hàng phổ biến tại VN như Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương VN (Techcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương VN (Vietinbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MBbank)…

PV Thanh Niên đã trực tiếp kiểm tra hoạt động của các website này, trong đó website giả mạo Ngân hàng Phát triển VN (VDbank) tại vdbank.com.vn vẫn đang hoạt động. So với website chính thức của VDbank (https://vdb.gov.vn), trang web giả mạo có giao diện khá sơ sài, thông tin liên hệ nhiều kẽ hở vô lý, các thông tin liên kết đều chỉ có hình thức mà không có nội dung... Mặc dù vậy, nếu không có trình độ và kiến thức để thẩm định thì người dân sơ ý có thể sập bẫy của kẻ lừa đảo.

Chuyên gia công nghệ của NCSC cho biết bằng thủ đoạn tạo website giả mạo các cơ quan chức năng, tổ chức tài chính, ngân hàng, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, đối tượng lừa đảo nhắm đến là tiền của người dân. Đáng nói, việc sử dụng website giả mạo để lừa đảo không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức bị giả mạo website.

Để tránh bị AI deepfake đe dọa, khủng bố, tống tiền, người dùng điện thoại không nên chia sẻ hình ảnh cá nhân quá nhiều, tuyệt đối không quay hoặc chia sẻ hình ảnh, clip có nội dung nhạy cảm; chú ý khi tham gia kết bạn, làm quen, hẹn hò trên mạng cần phải kiểm chứng ngoài thực tế. Khi trở thành nạn nhân, tuyệt đối không chuyển tiền và trình báo ngay cơ quan công an nơi cư trú để được giúp đỡ.

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn An ninh mạng Athena

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.