Nhiều người kinh doanh cây kiểng gặp khó khăn nhưng chờ... thời, mong bán được giá cao

Tấn Đạt
Tấn Đạt
27/03/2024 11:19 GMT+7

Không riêng lĩnh vực đồ ăn, thức uống, thời trang... những người trẻ kinh doanh cây kiểng, bonsai cũng gặp nhiều khó khăn trong tình hình hiện nay. Dù họ đã hạ giá các sản phẩm này rất nhiều nhưng vẫn không bán được.

Doanh thu giảm đến 70%

Đầu năm 2024, anh N.T.K (33 tuổi), ngụ tại H.Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, giảm giá từ 10 - 20% các dòng bonsai như: mai chiếu thủy, linh sam, lộc vừng… nhưng vẫn không bán được. Đến tháng 2.2004, anh K. tiếp tục giảm thêm 10% giá cây kiểng, tuy nhiên chỉ nhận lại những câu hỏi thăm của khách hàng rồi sau đó họ biệt tăm luôn.

"Thời gian qua, thị trường bonsai trở nên ảm đạm. Mình có đăng tải nhiều hình ảnh lên các trang mạng xã hội nhưng vẫn không thấy khả thi. Thi thoảng, mình chỉ bán được vài dòng mini, còn các dòng thành phẩm cỡ lớn thì rất ít khách mua, doanh thu tháng vừa rồi giảm đến 70%", K. cho hay.

z5286545262968_846142f851f9261cf4c9a3c986409a0b.jpg

Anh K. vẫn không bán được bonsai dù đã giảm giá sâu

TẤN ĐẠT

z5286545262431_fb95f263b2c736beca66b68c073e6ee2.jpg

Những cây giá từ 10 đến 20 triệu đồng của anh N.T.K

TẤN ĐẠT

Còn chị H.H.N.A (31 tuổi), ngụ tại P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cũng đang gấp rút thanh lý hàng trăm cây kiểng mini, sen đá chỉ với giá gần 15 triệu đồng. "Nếu mua hết cây trong khu vườn mình sẽ tặng miễn phí toàn bộ số chậu, kệ...", chị N.A. nói.

z5286545397362_acc2c521f3b4bdd9b0c6e17b4d74b6d0.jpg

Nhiều người trẻ đam mê, kinh doanh cây kiểng

TẤN ĐẠT

Chị N.A. làm giáo viên mầm non tại TP.HCM, kinh doanh cây kiểng là nghề tay trái. "Mấy tháng nay mình không mua bán được cây kiểng, cộng thêm việc áp lực với cuộc sống cơm áo gạo tiền ở thành phố nên mình quyết định về quê lập nghiệp. Trước đây, mình tính đem cây kiểng về tỉnh An Giang để tiếp tục kinh doanh nhưng thấy thời tiết nắng nóng với chi phí vận chuyển cao nên quyết định sang lại toàn bộ vườn", chị N.A. cho hay.

Chấp nhận chịu lỗ

Trước đây, anh Nguyễn Hoài Nam (32 tuổi), làm việc tại 9A Cộng Hòa, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM, kiếm thêm thu nhập nhờ đi "giao lưu" bonsai. Mỗi cây anh Nam mua và bán lại sẽ lời từ 1 -  2 triệu đồng. 

"Tuy nhiên, một số cây mình mua đầu năm 2024 đến giờ vẫn chưa bán được. Có những dòng cây kiểng mình chấp nhận chịu lỗ vài triệu đồng nhưng khách vẫn e ngại và không mua bởi hiện nay kinh tế của nhiều người vẫn còn khó khăn...", anh Nam nói.

Tiếp tục chăm sóc cây và chờ thời...

Tương tự, Lê Nguyễn Hoàng Tuấn (29 tuổi), ngụ tại P.Thanh Bình, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, cũng gặp khó khăn trong việc kinh doanh như: mai chiếu thủy, si, linh sam, mai, hoa giấy… 

"Các dòng này mình đã trồng hơn 2 năm, phát triển khỏe, cành tốt, gốc rễ sần sùi rất đẹp, giá dao động từ 10 đến hơn 15 triệu đồng/cây. Đầu năm 2024, mình bắt đầu đưa cây ra thị trường nhưng rất ít người mua", Tuấn than thở.

"Mình không dám giảm chi phí bán cây nhiều vì như thế sẽ làm mất đi giá trị sản phẩm. Để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng đam mê, mình phải đi làm thêm nhiều nghề, phụ giúp ba mẹ kinh doanh tại nhà", Tuấn bộc bạch.

20220310-111727-8845.jpg

Những bonsai tuyệt đẹp

TẤN ĐẠT

Từ đầu năm 2024 đến nay, Lê Hoài Sơn (29 tuổi), ngụ tại P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, không dám nhập phôi về để làm vì những cây thành phẩm ở vườn vẫn chưa bán được.

"Mình chủ yếu bán các dòng kiểng mini, phôi cây. Trước đây, mỗi ngày mình đều bán được 5 - 10 phôi cây và một số thành phẩm khác. Tuy nhiên, hiện nay mỗi tuần mình chỉ bán được vài phôi nhỏ", Sơn cho hay.

402926141_3690449874559049_6772373467740062623_n (1).jpg

Nhiều người trẻ kinh doanh cây kiểng hy vọng thị trường sắp tới sẽ nhộn nhịp hơn

TIẾN ANH

Hiện tại, Hoài Sơn tập trung nuôi dưỡng những cây có sẵn trong vườn, chờ thời bán được giá cao.

"Dù thị trường bonsai hiện nay khó khăn nhưng mình thấy may mắn, bởi sản phẩm này nếu bán không được thì người trồng vẫn tiếp tục nuôi dưỡng, tạo dáng ngày càng đẹp. Chính vì điều đó mà mình quyết định ngồi chờ… thời, hy vọng cuối năm nay thị trường mua bán trở nên nhộn nhịp, giá cả cây cảnh ổn định hơn", Hoài Sơn hy vọng.

Trong khi đó, Huỳnh Văn Đức (27 tuổi), ngụ tại xã Mỹ Quý, H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cũng duy trì được đam mê và kinh doanh bonsai nhờ chia sẻ những video chơi cây kiểng lên mạng xã hội. Đức còn làm hẳn một trang cá nhân trên mạng xã hội, tại đây có vô vàn video xoay quanh các nội dung như: cách chăm sóc, tạo dáng kiểng, xử lý cây bị thối rễ… 

"Để thu hút mọi người thì phải có một thương hiệu riêng, đặc biệt tạo được niềm tin đối với khách hàng. Thông qua kênh cá nhân trên mạng xã hội mình bán được bonsai, đồng thời được một số chủ kinh doanh nhãn hàng mời làm quảng cáo", Đức cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.