Nhiều người nấu mì với lá, hoa cúc vạn thọ và tấm tắc khen ngon

28/02/2024 09:00 GMT+7

Dùng hoa vạn thọ để nấu mì là cách mà cộng đồng mạng tận dụng cây cảnh sau khi chưng trong ngày tết. Chuyên gia nói gì về vấn đề này?

"Hoa xốp, mềm, giòn như xà lách"

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video chế biến món ăn từ hoa vạn thọ. Chỉ cần gõ từ khóa "mì tôm hoa vạn thọ", "gỏi gà hoa vạn thọ" sẽ cho ra một loạt kết quả với hàng chục video khác nhau. Mỗi video có từ hàng chục ngàn cho đến vài triệu lượt xem.

Trong đó, điển hình là video "lần đầu ăn thử bông và lá hoa vạn thọ" của tài khoản TikTok tên @bepcuagiao, thu hút hơn 3 triệu lượt xem cùng gần 5.000 bình luận, tính đến trưa ngày 27.2.

Theo đó, chủ tài khoản @bepcuagiao đã hái lá non, chọn hoa cúc vạn thọ chưa nở căng đem rửa sạch, chế nước sôi để ăn chung với .

"Lá của hoa vạn thọ có mùi giống rau thơm, nhiều tinh dầu. Khi nấu chín, mùi cũng bớt đi, ăn với mì gói cũng thơm thơm", chủ tài khoản @bepcuagiao chia sẻ. Ngoài ra, cô gái này cảm nhận hoa vạn thọ xốp, giòn, mềm như rau xà lách, không có mùi tinh dầu mạnh như phần lá.

Nhiều người nấu mì với lá, hoa cúc vạn thọ và tấm tắc khen ngon- Ảnh 1.

Các video dùng cúc vạn thọ nấu mì thu hút cả triệu lượt xem

CHỤP MÀN HÌNH

Bên dưới bài đăng, nhiều người để lại bình luận hoài nghi, e dè về món ăn này, như: tui sợ mùi hoa vạn thọ cực; nó hôi rình sao ăn được, mới ngửi đã không chịu được rồi; mình không cảm được mùi hoa vạn thọ, nghe là thấy đau đầu; sợ hoa này lắm, hôi nhức óc...

Trong khi đó, cũng có người cho biết từng ăn lá của cúc vạn thọ, lấy làm gỏi và mùi vị rất ngon, còn hoa thì chưa thử.

Trần Hoàng Minh (26 tuổi), nhân viên truyền thông làm việc tại đường Trần Hưng Đạo, Q.5 (TP.HCM), chia sẻ: "Khi thấy mọi người ăn bông và lá vạn thọ thì mình không quá bất ngờ hay sốc vì ẩm thực là không có giới hạn. Thế giới còn nhiều món kỳ dị và độc lạ hơn rất nhiều. Nếu có cơ hội được thử món này mình sẵn sàng trải nghiệm".

Cúc vạn thọ là thảo dược có nhiều công dụng

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Tài, Phó trưởng Khoa Điều dưỡng và Xét nghiệm, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết Việt Nam là quốc gia có trữ lượng thảo dược rất lớn, vì vậy có nhiều cây cỏ, hoa xung quanh chúng ta là thuốc, cúc vạn thọ cũng thuộc nhóm này.

Nhiều người nấu mì với lá, hoa cúc vạn thọ và tấm tắc khen ngon- Ảnh 2.

Cúc vạn thọ có nhiều công dụng trong y học

HUỲNH NHI

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Tài, thông thường mọi người dùng lá cúc vạn thọ nhiều hơn, nhưng hoa cũng sử dụng được. "Theo quan niệm của y học cổ truyền, cúc vạn thọ có mùi thơm, tính mát, không có độc. Loại cây này có thể giúp tiêu viêm, thanh tâm giáng hỏa. Còn theo y học hiện đại, cúc vạn thọ có tác dụng giảm viêm, hỗ trợ điều trị viêm loét đại tràng hoặc ruột già, viêm khớp. Ngoài ra còn có tác dụng điều hòa kinh nguyệt ở phụ nữ", vị này nói và cho biết cúc vạn thọ cũng mang lại những công dụng tốt cho mắt khi dùng làm trà pha uống.

Nhiều người nấu mì với lá, hoa cúc vạn thọ và tấm tắc khen ngon- Ảnh 3.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Tài, Phó trưởng Khoa Điều dưỡng và Xét nghiệm, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

NVCC

Tuy nhiên, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Tài cho rằng cúc vạn thọ vốn dĩ dùng để chưng, nên loại hoa này cũng thường chứa hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều. Trong khi tiêu chí sử dụng thực phẩm, làm thuốc cho người thì lại rất khắt khe.

"Nếu sử dụng làm thực phẩm kéo dài thì vô tình đưa vào trong cơ thể những hóa chất độc hại. Ngoài ra, do có công dụng điều hòa kinh nguyệt nên với phụ nữ có thai hoặc cho con bú cần cẩn thận khi dùng cúc vạn thọ", thạc sĩ, bác sĩ Tài cân nhắc và khuyên mọi người nên dùng với hàm lượng vừa phải, biết rõ nguồn gốc của cây. Nếu là hoa nhà trồng, không dùng hóa chất thì có thể sử dụng được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.