'Nhiều người nổi tiếng chấp nhận nộp phạt để gây chú ý'

16/08/2024 08:10 GMT+7

Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM vừa có quan điểm liên quan đến thực trạng một số người nổi tiếng cố tình tạo scandal, những tranh cãi qua lại trên mạng xã hội nhằm mục đích thu hút sự chú ý.

'Nhiều người nổi tiếng chấp nhận nộp phạt để gây chú ý'- Ảnh 1.

Nam Em từng bị Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM xử phạt 2 lần vì những trò lố trên mạng xã hội

FBNV

Vừa qua, trong buổi họp báo định kỳ diễn ra tại Trung tâm báo chí TP.HCM, Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM nêu ra vấn đề liên quan đến việc ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Ông Nguyễn Thanh Hòa - Trưởng phòng Thông tin điện tử (Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM) cho rằng thời gian qua xảy ra nhiều ồn ào trên mạng xã hội đến từ việc một số người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung cố tình gây ra, từ việc tạo scandal, phát ngôn lệch chuẩn... nhằm thu hút sự chú ý của dư luận, phục vụ mục đích riêng.

Đại diện Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM phân tích, trường hợp người nổi tiếng cố tình tạo scandal trên mạng thường trải qua quy trình 6 bước. Đầu tiên, họ tạo ra sự kiện, sự cố gây sốc. Sau đó, họ lập ra hai nhóm fan và anti fan, để hai nhóm đối tượng này tranh cãi nhằm thu hút sự chú ý. Tiếp theo, họ kiếm luật sư, chuẩn bị kế hoạch để biện minh cho mình và đến làm việc với cơ quan chức năng. Những người nổi tiếng chấp nhận đóng phạt hành chính 7,5 triệu đồng (mức phạt áp dụng với hành vi lợi dụng mạng xã hội để chia sẻ, đăng tải thông tin sai sự thật), sau đó tiếp tục livestream bán hàng.

'Nhiều người nổi tiếng chấp nhận nộp phạt để gây chú ý'- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Trưởng phòng Thông tin điện tử (Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM)

L.X

Ông Nguyễn Thanh Hòa cho biết, người nổi tiếng cần có trách nhiệm với phát ngôn của mình cũng như nội dung thông tin mà họ cung cấp. Do đó, họ phải chịu chế tài theo quy định khi hoạt động trên môi trường mạng. Ông Hòa nhận định, mạng xã hội với đặc tính ẩn danh, yếu tố thật - ảo lẫn lộn, hiệu ứng lây lan nhanh hơn so với môi trường bên ngoài, kéo theo những tác động mạnh đến xã hội.

"Có 3 yếu tố cần phải xem xét trong việc người nổi tiếng cố tình tạo scandal. Thứ nhất, nhà cung cấp nền tảng mạng cần có trách nhiệm quản lý, giám sát. Thứ hai, đơn vị quảng cáo, nhãn hàng nếu bỏ tiền đầu tư vào các video xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự của các tổ chức, cá nhân cũng sẽ bị xử lý. Cuối cùng, những người sáng tạo nội dung phải chịu chế tài, bị xử lý theo quy định pháp luật nếu vi phạm. Thời gian qua, chúng tôi cũng làm việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, xử lý từng sự việc cụ thể để răn đe", ông Hòa cho hay.

Sen Vàng nộp đơn vụ bôi nhọ Hoa hậu Quế Anh, Sở Thông tin truyền thông nói gì?

Trước đó, nhiều trường hợp người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung bị phạt vì đưa thông tin tiêu cực, phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội. Điển hình là vào tháng 3.2024, Nam Em bị Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM phạt 37,5 triệu đồng vì 2 vi phạm: gây hoang mang dư luận và xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc. Sau đó, người đẹp gốc Tiền Giang tái phạm, bị xử phạt hành chính ở mức tăng nặng là 10 triệu đồng. Ngoài ra, phía Sở cũng báo cáo, kiến nghị Bộ Thông tin Truyền thông xem xét, xử lý chặn tài khoản mạng xã hội của người đẹp này.

'Nhiều người nổi tiếng chấp nhận nộp phạt để gây chú ý'- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM cho biết các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý hành vi lợi dụng mạng xã hội

L.X

Tuy nhiên, thực trạng nghệ sĩ đăng tải thông tin sai sự thật, phát ngôn lệch chuẩn hay trường hợp người nổi tiếng khi sắp ra sản phẩm mới, cố tình "tạo sóng" dư luận nhằm PR cho bản thân cũng khiến dân mạng bức xúc. Nhiều người cho rằng mức phạt hành chính hiện còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và kiến nghị cơ quan quản lý đề xuất hình thức xử phạt nặng hơn.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hòa phản hồi: "Người nghệ sĩ, người nổi tiếng khi hoạt động nghệ thuật sẽ chịu chế tài theo quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Trên môi trường mạng, họ cũng phải tuân theo quy định về quy tắc ứng xử của Bộ Thông tin Truyền thông. Thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra danh sách đen (black list) mang tính đề xuất, khuyến cáo những người sai phạm sẽ bị hạn chế. Tất nhiên muốn thay đổi phải chờ đợi, sắp tới các nghị định mới liên quan đến vấn đề này cũng sẽ có sự thay đổi, có những điều khoản mới, chẳng hạn như chế tài cụ thể về livestream. Còn trong lúc chờ đợi, chúng ta vẫn phải theo quy định hiện hành".

Cũng trong buổi họp báo, ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM nhấn mạnh: "Nếu ai lợi dụng không gian mạng để thu hút người theo dõi, lượt view bằng những hành vi lệch chuẩn và vi phạm pháp luật, các cơ quan nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau, kiên quyết xử lý những trường hợp này".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.