Các đề xuất nổi bật trong Quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM do Sở NN-PTNT gửi UBND TP.HCM xin ý kiến xây dựng quy định, dự kiến trình trong quý 4/2024 có thể kể đến như: phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã và khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip, kê khai định kỳ 2 lần/năm, kê khai trong vòng 3 ngày sau khi nuôi, không để chó tấn công người, không thả rông, không được để chó gây ồn ào…
Những đề xuất trên ngay lập tức nhận được sự đồng tình của nhiều người dân TP.HCM. Suốt nhiều năm qua họ đã bất lực, ngán ngẩm với tình trạng ô nhiễm môi trường, tiếng ồn… Nhiều hộ gia đình nuôi chó, mèo với số lượng lớn nhưng ý thức chưa cao, gây ảnh hưởng đến người khác
Mua vỏ bưởi đốt vì… quá hôi
Bà Lâm Phụng Linh (44 tuổi) bán bánh mì trên đường Hoàng Diệu (Q.4) vô cùng bức xúc khi nhà bên cạnh nuôi hơn 70 con chó khiến không gian sống ngập tràn mùi hôi thối. 12 giờ trưa, trời TP.HCM nắng nóng, mùi hôi bốc lên nồng nặc, bà không dám hé cửa dù chỉ một chút.
"Tôi bán bánh mì nhưng rất ít khách nán lại lâu chờ mua vì chịu không nổi mùi hôi. Tôi phải đi xin, mua vỏ bưởi sáng sớm phải đốt lên lấn át mùi hôi. Gió thổi, mùi hôi từ chó xộc lên khiến tôi có cảm giác chịu không nổi", bà Linh nói.
Cũng theo bà Linh, chỉ vì một hộ nuôi chó nhưng đã gây ảnh hưởng đến không biết bao nhiêu người. Một người khi đến thuê nhà sát đó cũng chịu mất tiền cọc vì ở một thời gian ngắn đã không chịu nổi mùi hôi tỏa ra từ nhà nuôi chó.
Không chỉ mùi hôi thối, những con chó còn sủa liên tục khiến bà Linh ngán ngẩm vì quá ồn ào. Khoảng 16 giờ chiều, khi cả đàn chó tập trung ăn cơm trước cửa nhà tiếng sủa inh ỏi khiến người phụ nữ nhức đầu. Bà Linh không có thiết bị đo tiếng ồn nên bất lực khi ghi lại "bằng chứng" gửi lên chính quyền.
"Tôi nghĩ nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, không khác gì hình thức tra tấn. Tôi hy vọng quy định về xử phạt nuôi chó mèo gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người khác được thực hiện để sớm thoát khỏi cảnh khổ sở này", bà Linh thở dài.
Cùng chung cảnh ngộ với bà Linh, ông Trịnh Hoàng Thanh (41 tuổi, ở đường Hoàng Diệu, Q.4) cũng chỉ biết đóng cửa kín mít mỗi khi trời nắng lên vì quá hôi. Tuy nhiên, vì còn kinh doanh nên sau giờ nghỉ trưa phải mở cửa đón khách. 3 năm thuê nhà ở đây, ông liên tục phải giải thích cho khách hiểu mùi hôi không phải từ nhà mình mà xuất phát từ nhà nuôi hơn 70 con chó bên cạnh.
"Tôi thường xuyên thấy chủ nuôi thả hơn chục con đứng trước cửa nhà, không rọ mõm. Nhà nhỏ lại nuôi quá nhiều chó nên rất ảnh hưởng đến những người xung quanh. Lông chó cũng bay tứ tung, người kinh doanh đồ ăn càng ngán ngẩm vì khách không dám mua", ông Thanh bày tỏ.
Né gấp khi thấy chó không rọ mõm
Người dân TP.HCM thường có thói quen đi dạo, tập thể dục ở công viên, dọc bờ kênh mỗi chiều cuối ngày. Tại đây, họ thường xuyên bắt gặp hình ảnh chó thả rông, không rọ mõm và bất lực khi tình trạng này kéo dài suốt nhiều năm qua. Ghi nhận của Thanh Niên vào lúc 17 giờ chiều 29.3 dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Q.3) cũng thấy nhiều chủ nuôi dắt chó đi dạo nhưng không rọ mõm, để chó phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh.
Bà Đoàn Thị Tường Vy (66 tuổi, ở Q.Phú Nhuận) cho biết, khi thấy chó lang thang dọc bờ kênh phải né gấp vì sợ chúng cắn. Nhiều con chó thậm chí còn đến gần người, không biết chó có mang mầm bệnh hay không nên bà rất lo lắng. Gần đây, bà cũng ám ảnh khi xem đoạn clip một bé gái bị chó dại tấn công, cắn nhiều vết vào người đăng tải trên mạng xã hội.
"Nhiều người thậm chí còn dẫn 4 – 5 con chó đi chứ không phải 1, 2 con. Sáng sớm còn ít nhưng cứ chiều tối rất đông chó không rọ mõm, nhiều con chó to chứ không phải thú cưng nhỏ. Chưa kể, mùi do chó phóng uế ra rất hôi, nhiều khi chịu không nổi phải trở về nhà ngay lập tức, không dám đi tập thể dục nữa", bà chia sẻ.
Bà hoàn toàn ủng hộ đề xuất về quy định quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn và hy vọng sớm được thực hiện để đảm bảo cuộc sống an toàn, sạch đẹp cho người dân.
Cùng chung quan điểm, chị Hoài Thu (34 tuổi, ở Q.Tân Bình) cũng mong đề xuất sớm đi vào thực tế. Chị cho rằng, việc cấm người nuôi thả rông, không rọ mõm cho chó, mèo phải được thực hiện một cách rộng rãi, nghiêm túc.
"Tôi đi tập thể dục thường xuyên thấy cảnh chó to đi lại tự do, không rọ mõm rất nguy hiểm. Dù biết thả rông, cho chó mèo phóng uế bừa bãi sẽ ảnh hưởng đến người khác và môi trường nhưng nhiều người nuôi vẫn chưa có ý thức cao, cứ nghĩ như vậy là để vật nuôi được thoải mái", chị Thu nói.
Bình luận (0)