Chiều tối 22.1, sau khi hoàn thành buổi học, Lê Trung Nhân và Nguyễn Đức Tính, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhanh chóng trở về ký túc xá thu dọn đồ đạc để ra bến xe về quê Hà Tĩnh để nghỉ tết.
Nhân và Tính ngồi gật gù cạnh chiếc vali bên lề đường, trên vai mang chiếc balo kẹp thêm đủ thứ đồ. Cạnh 2 bạn, cũng có vài người tương tự. Trung Nhân, Đức Tính và mọi người đang đón xe về quê.
Trung Nhân cho biết: “Tuần sau nhà trường mới chính thức cho nghỉ. Đến đúng ngày như trường công bố, vé xe tăng cao lắm. Ngoài ra, lịch học của tụi mình cũng đã kết thúc, chỉ còn làm bài tiểu luận cuối kỳ. Về nhà vẫn có thể thực hiện được”.
Hơn 1,1 triệu lượt người sẽ rời TP.HCM về quê ăn tết qua các bến xe
Lê Thị Thanh Xuân, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ: “1 năm nay, mình chưa về quê ở Quảng Nam. Tuần sau, trường mới nghỉ tết. Các môn học trong thời khóa biểu đã kết thúc nên mình đã liên hệ mua vé xe đi về quê. Mình rất nhớ ba mẹ và mọi người trong gia đình. Về sớm có nhiều thời gian ở bên gia đình, phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón xuân”.
Để hỗ trợ sinh viên, một số trường đại học ở TP.HCM đã lên kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến đối với tuần trước tết và tuần sau tết như: Sư phạm, Kinh tế - Luật, Công thương, Kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều trường cũng cho sinh viên nghỉ tết từ cuối tháng 1.2024 đến cuối tháng 2.2024 để sinh viên chủ động mua vé tàu xe, máy bay trở lại TP.HCM học tập.
Ngoài di chuyển bằng xe khách, một số sinh viên quê ở gần TP.HCM đã lựa chọn điều khiển xe máy để tiết kiệm chi phí, tránh cảnh chờ đợi tại trạm xe và bến xe.
Thời khóa biểu học tại trường của Nguyễn Thành Đạt, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã kết thúc nên Đạt quyết định về quê nghỉ tết sớm.
Thành Đạt chia sẻ: “Quê mình ở tỉnh Vĩnh Long nên thời gian chạy xe không quá dài. Đi xe gắn máy về quê giúp mình có phương tiện di chuyển trong những ngày tết. Điều khiển xe vào ban đêm thường sẽ có cảm giác buồn ngủ. Vì vậy, khi nào buồn ngủ, mình ghé quán cà phê dọc đường nghỉ ngơi một chút rồi đi tiếp”.
Khoảng cách di chuyển từ TP.HCM về nhà ở H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp khoảng 150 km nên Bùi Ngọc Nhân, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM quyết định cùng bạn chọn xe gắn máy để di chuyển cho tiện lợi và tiết kiệm chi phí.
Ngọc Nhân nói: “Nếu mua vé xe khách về quê, mình và bạn sẽ tốn khoảng 300.000 đồng, trong khi đi xe gắn máy tụi mình chỉ tốn khoảng 150.000 đồng tiền xăng. Ngoài ra, chạy xe về quê không phải lo bị mất trộm nếu để xe máy ở phòng trọ”.
Những năm trước, thời điểm này, công nhân đang tăng tốc cho đơn hàng cuối năm, phần vì lượng công việc tăng cao, phần vì cố gắng tăng ca để kiếm thêm tiền chi tiêu trong những ngày xuân. Thế nhưng, năm nay, họ “được” nghỉ tết sớm hơn mọi năm…
Ngồi chờ lên xe về quê ở Bình Thuận, chị Nguyễn Thị Lắm (32 tuổi), công nhân của một công ty trong khu công nghiệp Sóng Thần (TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), buồn bã nói: “Công ty hết đơn hàng nên cho nhiều công nhân nghỉ tết sớm. Bây giờ, tôi phải về quê chứ ở thành phố tốn tiền sinh hoạt này nọ. Tôi lo lắng rằng nghỉ tết sớm, rồi ra tết có được đi làm lại nữa không. Tôi không dám nghĩ đến chuyện tương lai…”.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Võ Văn Phi (30 tuổi), đang làm việc cho một công ty ở khu chế xuất Linh Trung (TP.Thủ Đức), phải xa vợ con ở quê để đi làm công nhân kiếm sống. Chấp nhận xa nhà để mưu sinh, nhưng thời điểm tết cận kề anh rơi vào cảnh thất nghiệp.
Công nhân nhịn nhậu dành tiền mua vé máy bay tết, rưng rưng: 'Cả năm không có dư!'
Anh Phi bày tỏ: “Tháng trước tôi bị bệnh nên xin công ty nghỉ phép nửa tháng. Hết thời gian nghỉ, tôi quay lại làm việc, họ bảo tôi làm đến giữa tháng 1 thì nghỉ việc luôn đi, công ty đã tìm được người mới. Do thu nhập thấp, lại phải gửi tiền về nuôi con, chi phí thuê nhà, ăn ở… nên sau cả năm làm việc tôi không có dư gì. Tôi trả phòng trọ về quê ăn tết sớm thôi. Qua tết vào lại thành phố tìm việc làm”.
Bình luận (0)