Nhiều người trẻ đi làm công… không lương

Tấn Đạt
Tấn Đạt
15/07/2023 06:00 GMT+7

Thời gian qua, nhiều người trẻ sẵn sàng nghỉ việc một thời gian để về những vùng quê làm công không lương. Họ còn được gọi là tình nguyện viên nông nghiệp.

Farm (nông trại), homestay (du lịch lưu trú ở nhà người dân) là những nơi các tình nguyện viên nông nghiệp tìm đến. Tại đây, họ sẵn sàng làm công không lương trong nhiều việc liên quan đến nông nghiệp…

Nhiều người trẻ đi làm công… không lương  - Ảnh 1.

Khi làm tình nguyện viên, các bạn trẻ được trải nghiệm một phần cuộc sống của những người nông dân

VÌ MỘT CHỮ… MỚI

Nguyễn Thị Lan (23 tuổi), làm việc tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, đã nghỉ công việc truyền thông với mức lương hơn 13 triệu đồng/tháng để về những trang trại, homestay ở Đà Lạt và "biến" mình thành nông dân chính hiệu.

Lan tâm sự sau khi ra trường dù được làm công việc đúng chuyên ngành nhưng vẫn cảm thấy không có động lực. Cô lên kế hoạch trước một năm, cố gắng đi làm để dành dụm tiền. Sau khi thấy tài chính tạm đủ, Lan quyết định lên đường làm một tình nguyện viên nông nghiệp.

Lan làm nhiều việc không lương như: nhổ cỏ, phụ bếp, tưới cây, dọn dẹp nhà cửa… "Mình được hòa với thiên nhiên, chuyện trò với bạn mới cùng chung chí hướng, không còn bị luẩn quẩn, vòng quanh như trong công việc trước đó", cô cho biết.

Nhiều người trẻ đi làm công… không lương  - Ảnh 2.

Những người trẻ làm tình nguyện viên nông nghiệp

Tấn Đạt

Cuối tháng 6.2023, Lan chuyển qua một homestay khác gần nơi cũ để làm việc. "Những nơi mình ghé đến đều hỗ trợ nơi ở, ăn uống… do đó mình không quá lo về vấn đề tài chính. Nhưng mình cũng chỉ tạm dừng chân ở những mảnh vườn với cây cỏ và công việc chân tay, đến khi sẵn sàng mình sẽ trở lại TP.HCM để khởi đầu lại tốt hơn", Lan nói.

Cao Thu Hoài (27 tuổi), sống tại P.7, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng bỏ công việc văn phòng để về một khu vườn ở Đà Lạt tình nguyện làm nông nghiệp hơn 1 tháng.

Hoài chia sẻ lý do cô từ bỏ công việc một cách đột ngột để về làm nông dân là vì một chữ… mới. "Mình muốn được khám phá những vùng đất, góc nhìn mới mà từ trước đến nay bản thân còn giới hạn hiểu biết. Sau những chuyến đi như thế, mình kỳ vọng sẽ góp nhặt được những bài học quý để trang bị thêm cho hành trang trong hành trình sau này", Hoài chia sẻ.

TÌNH NGUYỆN VIÊN NÔNG NGHIỆP CẦN LƯU Ý GÌ ?

Nguyễn Lâm Hậu (28 tuổi), ngụ tại đường số 36, P.Linh Đông, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cũng từng nghỉ việc rồi "lang bạt" khắp các trang trại hơn 1 năm để làm công không lương, cho biết mọi người nên trao đổi trực tiếp với chủ farm, thỏa thuận ngay từ đầu để mình nắm rõ môi trường, công việc nơi đó như thế nào, thời gian làm việc một ngày...

"Mọi người nên có một số kỹ năng cần thiết trước khi đi như: nấu ăn, sống tập thể, cũng như phải tìm hiểu kỹ farm trước khi đến. Hãy chọn những nông trại gần nơi mình sinh sống, tránh những nơi quá xa, tách biệt", Hậu chia sẻ.

Còn Cao Thu Hoài cho hay cần tìm hiểu, trao đổi với chủ farm về những hoạt động, công việc cũng như văn hóa, lối sống để giảm đi sự bỡ ngỡ ban đầu. "Thời gian đầu bạn nên chọn những nông trại gần trải nghiệm vài ngày, sau đó mới đến nơi xa hơn và đăng ký làm thời gian dài. Đặc biệt là hãy xác định rõ ràng cái mình muốn, thời gian mình phải làm ở nông trại để từ đó có được trải nghiệm hoàn hảo", Hoài cho hay.

Tại vườn, mỗi ngày từ sáng đến chiều Hoài làm những công việc như hái và sơ chế cà phê, chế biến các món mứt, làm cỏ, trồng cây, ươm giống, cuốc đất và làm sen đá...

"Nơi mình làm còn có nhiều bạn cũng là tình nguyện viên nông nghiệp. Mỗi buổi tối mọi người thường quây quần bên bếp lửa và thưởng thức món bánh tráng nướng, chia sẻ với nhau những câu chuyện, vấn đề trong cuộc sống, công việc và cả hướng đi", Hoài tâm sự.

Hoài cho hay thời gian đầu cô cũng gặp không ít khó khăn để có thể thích nghi với môi trường mới, không tránh khỏi những cảm xúc buồn ập đến. "Đôi khi mình phải gồng mình lên để hòa nhịp với mọi người. Tuy nhiên, nhờ khả năng thích nghi với môi trường, thời tiết, con người khá tốt nên chỉ cần vài ngày mình đã hòa mình được với các bạn. Sau hơn một tháng làm tình nguyện viên nông nghiệp, mình có thêm kiến thức trồng rau hữu cơ tại nhà, cách làm nước rửa chén từ bồ hòn, lối sống xanh sạch biết đủ và tự do hơn; phân loại, xử lý rác thải, không sử dụng hóa chất", Hoài nói thêm.

Nhiều người trẻ đi làm công… không lương  - Ảnh 4.

Người trẻ sẵn sàng bỏ công việc để về trang trại làm việc không công

CHỦ FARM VÀ TÌNH NGUYỆN VIÊN ĐỀU ĐƯỢC CHO ĐI VÀ NHẬN LẠI

Nguyễn Nhật Tiến, sinh viên Trường ĐH Kinh tế, TP.HCM, cũng trở thành "nông dân" tại một farm ở Đà Lạt. "Do sinh ra và lớn lên ở TP.HCM nên mình ít khi được tiếp xúc trực tiếp với nông nghiệp. Mình hy vọng qua những chuyến đi thực tế này mình được hiểu thêm về công sức lao động của người nông dân để có được bữa cơm mà mọi người ăn mỗi ngày", Tiến nói.

Hơn 1 tháng ở nông trại, Tiến không ngần ngại bất cứ việc gì, nhờ đó đã học được rất nhiều thứ từ tỉa cành, trồng cây đến dọn vườn, làm nông nghiệp sạch... Lần đầu tiên sống trong môi trường, vùng đất mới lạ, Tiến đã học được cách chia sẻ và lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người. Đặc biệt, Tiến còn dùng nông sản mình thu hoạch được làm món ăn.

CẦN ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH

Nói về xu hướng nhiều người trẻ trở thành "tình nguyện viên nông nghiệp", ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cho hay hoạt động này có những cái hay riêng, giúp người ta cảm nhận, yêu quý những vùng đất mà họ đặt chân đến, đặc biệt là học hỏi về kiến thức nông nghiệp.

"Đây là một phong trào tốt cho sự trải nghiệm, giao lưu, học hỏi lẫn nhau của người trẻ, cần được khuyến khích. Hoạt động này giúp các bạn nhìn nhận được sự phát triển nông nghiệp ở những khía cạnh khác nhau đối với mục tiêu của mỗi người", ông Hiệp chia sẻ thêm.

"Tại farm, mình có những trải nghiệm thực tế về cuộc sống, hiểu thêm về quá trình làm nông và biết quý trọng những sản phẩm nông nghiệp, cũng như có thêm vốn kiến thức nhà nông cực kỳ bổ ích", Tiến cho hay.

Anh Nguyễn Thái Hòa, chủ trang trại rau hữu cơ Hòa Farm, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, vừa đón 3 tình nguyện viên nông nghiệp hồi giữa tháng 6. Theo anh, tình nguyện viên nông nghiệp đang là xu hướng của nhiều người trẻ như một dạng du lịch trải nghiệm. Ở đó, chủ nhà và tình nguyện viên đều được cho đi và nhận lại.

"Trong quá trình tuyển tình nguyện viên, mình phải trao đổi rõ ràng, thống nhất về các vấn đề thu phí khoản nào hoặc không, hay làm bao nhiêu giờ/ngày trước khi tiếp nhận để các bạn có những trải nghiệm tốt nhất. Một số bạn hoàn toàn không có chút kinh nghiệm gì nhưng "vào cuộc" rất tốt. Song, một số bạn chưa thật sự sẵn sàng với việc làm nông, sống trong môi trường tập thể. Bí quyết để có thể có những trải nghiệm hay là thái độ cởi mở, chân thành, chủ động, biết lắng nghe và tôn trọng sự khác biệt", anh Hòa nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.