"Cảm tình" với công cụ mới này
Những ngày vừa qua, Meta AI đã dần trở nên quen thuộc với người dùng Messenger. Người dùng có thể sử dụng Meta AI để đặt câu hỏi, tìm kiếm thông tin, yêu cầu gợi ý về các chủ đề khác nhau, tạo hình ảnh dựa trên mô tả văn bản…
Trần Minh Đăng, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết có "cảm tình" với công cụ này. "Vì trong lúc sắp chuyển nhà, mình chưa thể liệt kê được các công việc cần làm. Vô tình hỏi Meta AI và được gợi ý danh sách các việc cụ thể trong từng giai đoạn khác nhau như: trước, trong và sau khi chuyển nhà… Sau đó, mình tiếp tục hỏi về cách trang trí phòng trọ sao cho đẹp, cũng được công cụ này cho lời khuyên chi tiết", Đăng kể.
Không riêng gì Đăng, khá nhiều người trẻ cho biết trước đây thường sử dụng Google, nhưng thời gian gần đây, "không biết gì là hỏi… Meta AI".
"Mình có thể nhờ công cụ ấy giải đáp mọi thứ. Ngoài ra, Meta AI còn gợi ý nhiều chủ đề thú vị như: podcast về AI, những trò chơi ngoài trời hay nhất, cách nướng ngô (bắp), cải thiện kỹ năng viết, video dạy nấu ăn, tập gym hiệu quả… Từ ngày 4.12 đến nay, hầu như hôm nào mình cũng nhờ sự trợ giúp của công cụ này vài lần", Lê Thị Tuyết Lan, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho hay.
Chị Đỗ Thị Thanh Hường (32 tuổi), làm việc tại Công ty Công nghệ thông tin tin học Việt, Q.6 (TP.HCM), nói: "Cả nhóm bạn định "xách ba lô lên và đi", nhưng điều mà mọi người cần là có kế hoạch du lịch tiết kiệm. Tôi đã thử hỏi Meta AI và được hướng dẫn chi tiết các bước cơ bản như: xác định điểm đến và thời gian, chọn điểm đến phù hợp với khả năng tài chính, nên có thời gian du lịch phù hợp để tránh mùa cao điểm, phân bổ ngân sách cho các khoản phù hợp, sử dụng công cụ tìm kiếm vé máy bay và khách sạn giá rẻ… Khá là bất ngờ với những gợi ý "hay ho" như thế. Kể từ đó, khi có thắc mắc gì tôi đều hỏi Meta AI. Chẳng hạn như: cách làm chồng hết giận, hâm nóng tình cảm gia đình…".
Nguyễn Đặng Hùng (27 tuổi), làm việc tại Công ty Zitahima, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết nhiều lần nhờ công cụ này cho lời khuyên của những thắc mắc như: cách phát triển sự nghiệp, làm thế nào để sống lành mạnh, gợi ý những món quà sinh nhật đáng nhớ, xử lý mâu thuẫn với đồng nghiệp…
Lê Hải Châu, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình (TP.HCM), kể: "Em thường sử dụng Meta AI hướng dẫn cách học tốt các môn học hoặc bày những mẹo vặt trong cuộc sống".
Không nên quá lạm dụng
Anh Nguyễn Minh Thảo (33 tuổi), làm việc tại Công ty Công nghệ quảng cáo Nguyễn Trường, Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho rằng: "Sở dĩ Meta AI đã và đang được sử dụng nhiều, vì công cụ này hỗ trợ tiếng Việt, mở ra thêm một lựa chọn mới bên cạnh các nền tảng trí tuệ nhân tạo phổ biến như ChatGPT, Gemini, đấy là chưa kể người dùng được sử dụng miễn phí ngay trên Messenger".
Còn theo Nguyễn Trọng Tuyển, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, "điểm cộng" của công cụ này là tốc độ phản hồi nhanh chóng, cách trả lời tự nhiên, nhiều giải đáp hợp lý, có những hướng dẫn về "mẹo" đầy thú vị. Ngoài ra, Meta AI có thể tạo hình ảnh từ văn bản, sáng tạo đa dạng nội dung một cách nhanh chóng… Chính vì những "điểm cộng" như vậy nên Tuyển kể "hầu như ngày nào cũng sử dụng Meta AI".
Theo thầy giáo Đặng Minh, Trường THPT Lê Thánh Tông (tỉnh Gia Lai), không thể phủ nhận tính năng Meta AI đem lại nhiều hữu ích với người trẻ, trong đó có học sinh. Chẳng hạn như: hỗ trợ học tập, tìm kiếm thông tin, đưa ra lời khuyên để học tốt…
"Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng công cụ này mà cần phải sử dụng một cách hợp lý. Chứ việc gì cũng nhờ Meta AI thì rất mất thời gian", thầy Minh nói.
Chuyên gia kỹ năng sống Vũ Trọng Hoàng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: "Thực tế, nhiều người có thói quen "cứ hỏi Meta AI". Điều này dễ dẫn đến việc giảm khả năng động não suy nghĩ, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và vô tình tạo thành tính ỷ lại. Chính vì thế, tuy sử dụng Meta AI "lợi thì có lợi" nhưng không nên phụ thuộc quá mức vào công cụ này. Chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết và xem là một kênh để tham khảo tương tự Google, Chat GPT…".
Bình luận (0)