Chiều nay, 3.1, tại Q.3, TP.HCM đã diễn ra toạ đàm ‘Tám về môi trường’, chủ đề Ô nhiễm không khí tại TP.HCM với sự tham gia của phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Quốc Bằng và tiến sĩ Lê Việt Phú, giảng viên Đại học Fullbright cùng nhiều đại diện cơ quan truyền thông.
Ông Hồ Quốc Bằng cho biết, theo nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới WHO, năm 2016 có 8 triệu người chết vì ô nhiễm không khí. “Nhìn chung trong suốt nửa đầu năm 2017, chất lượng không khí tại TP.HCM tốt hơn so với Hà Nội tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2016 chất lượng không khí ở TP.HCM có xu hướng xấu đi”, ông Bằng nói.
Trong bài phát biểu của mình, ông Bằng đề xuất những giải pháp kiểm tra khí thải xe gắn máy, không sử dụng xe gắn máy quá niên hạn, giảm kẹt xe…
Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, điều mà ông Bằng nhận thấy trong bối cảnh trên, nhiều bạn trẻ thờ ơ, không quan tâm đến ô nhiễm không khí: “Tôi giảng dạy tại Đại học Quốc gia TP.HCM và thỉnh giảng tại nhiều trường đại học khác và cảm nhận, chủ yếu những bạn đang học về ngành môi trường quan tâm đến chất lượng không khí, các vấn đề liên quan ô nhiễm không khí, còn lại các bạn trẻ khác không quan tâm.
Có thể một phần do truyền thông liên quan đến vấn đề này chưa nhiều, nên nhận thức của giới trẻ chưa cao. Tôi hi vọng trong tương lai truyền thông có nhiều hoạt động, từ từ sẽ thay đổi nhận thức của các bạn, bởi ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta”.
tin liên quan
5.000 học sinh lập kỷ lục thế giới bằng cách xếp hình lá phổiTrong khi đó, tiến sĩ Lê Việt Phú, giảng viên Đại học Fullbright trình bày nghiên cứu của mình và chỉ ra tại TP.HCM có 3.000 người chết vì ô nhiễm không khí năm 2013, gấp 10 lần người chết vì tai nạn giao thông.
“Theo tôi không nên đưa ra các giải pháp không có tính ràng buộc cho người dân như “đừng ra đường”, “đừng đi xe gắn máy nó sẽ ô nhiễm không khí”, những giải pháp này khó có thể thực thi. Nếu có thể, nên là những giải pháp cụ thể có tính pháp lý và ràng buộc, ví dụ ai làm ô nhiễm không khí sẽ bị phạt tiền chẳng hạn”, ông Lê Việt Phú nêu quan điểm.
Theo báo cáo chỉ số chất lượng môi trường (EPI) năm 2016 của Đại học Yale và Columbia, chất lượng không khí tại Việt Nam là một trong mười nước kém nhất được xếp hạng, nằm vị trí 170 trong 180 nước trong thống kê.
|
Phát thải từ công nghiệp, phát thải từ xe cộ, nhà ở, nhà máy nhiệt điện than, hoạt động xây dựng, phát thải từ nông nghiệp, ô nhiễm không khí xuyên biên giới… là những nguồn gây ô nhiễm không khí chủ chốt.
“Tám về môi trường” được tổ chức bởi CHANGE (trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam VUSTA), được thành lập 2013, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường ở TP.HCM, ba lĩnh vực chính là động vật hoang dã, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, người thành lập CHANGE khuyến nghị nên ban hành Luật không khí sạch, hành động khẩn cấp để giảm tác động từ nhiệt điện than; hay cách đơn giản nhất mỗi người nên tự bảo vệ mình đó là sử dụng khẩu trang lọc được bụi chuyên dụng…
Bình luận (0)