Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên Trường ĐH FPT, cho biết: "Đi ngoài đường nhiều nên mình sợ bị cướp giật điện thoại, vì thế mình hay cho vào cốp xe cho tiện".
Còn Ngô Thị Phương Thảo (21 tuổi), ngụ tại số 181, Đặng Thúc Vịnh, ấp 7, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM, cũng hay để điện thoại, cục sạc dự phòng và dây sạc trong cốp xe nhằm tránh bị kẻ xấu giật. "Có một lần mình giật mình khi mở cốp xe ra thấy màn hình điện thoại đã bị bể vì bị va đập vào thành của cốp xe. Mình bất ngờ vì không nghĩ để trong cốp xe lại gây hại cho điện thoại đến như vậy, may là lúc đó điện thoại chỉ bị bể màn hình chứ không hư hỏng gì quá nặng", Thảo sợ hãi nhớ lại.
Chia sẻ về vấn đề này, giảng viên Trần Thanh Quang, Khoa Hệ thống điện Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM, cho rằng rất nguy hiểm khi cho điện thoại di động vào cốp xe gắn máy. Hầu hết các thiết bị điện tử hiện nay, đặc biệt là những điện thoại thông minh đều sử dụng công nghệ pin li-ion, loại pin này rất dễ nhạy cảm với nhiệt độ, đặc biệt là nhiệt độ cao. Trong khi đó, cốp xe gắn máy thường nằm gần động cơ nên dễ tỏa nhiệt lượng cao và gây ảnh hưởng đến pin của điện thoại. Vì thế nếu nhiệt độ lên cao đột ngột mà điện thoại không kịp tắt nguồn khả năng cháy nổ là hoàn toàn có thể xảy ra.
Giảng viên Thanh Quang cũng cho biết thêm khi xe chạy khả năng dễ va chạm, làm vỡ màn hình và ảnh hưởng đến những linh kiện bên trong của điện thoại. Nếu lực tác động mạnh, một số chức năng của điện thoại sẽ bị hư hỏng.
"Khi động cơ xe hoạt động, mâm đánh lửa và phát điện sẽ tạo ra từ trường làm cho các thẻ nhớ trong điện thoại bị hư hỏng hoặc nặng hơn dẫn đến mất dữ liệu", ông Quang chia sẻ.
Nếu gặp trường hợp bắt buộc phải để vào cốp xe, mọi người nên tắt nguồn những thiết bị điện tử tránh trường hợp nhiệt độ lên cao đột ngột có khả năng cháy nổ, ảnh hưởng đến an toàn của người đang tham gia giao thông.
Bình luận (0)