Nhiều nhà dân thoát án ‘treo’ sổ đỏ: Không đánh đồng giữa sai phép và không phép

Đình Sơn
Đình Sơn
18/06/2018 09:00 GMT+7

Ủng hộ Thông tư 03 năm 2018 hướng dẫn Nghị định 139 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, nhận định: Lâu nay luật xử phạt trong lĩnh vực xây dựng đã ban hành nhưng khó thực hiện được.

Thực hiện không được mà vẫn giữ thì thành ra luật pháp “treo”, pháp lý nhà dân “treo”, gây thiệt hại cho tất cả các bên. Trong khi tại TP.HCM việc xây dựng, cải tạo nhà cửa của người dân diễn ra rầm rộ nên chắc chắn sẽ phát sinh nhiều sai phạm về xây dựng.
Vì vậy, theo ông Nam, với những trường hợp xây dựng sai phép nếu không ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan đô thị, không vi phạm quy hoạch thì nên hợp thức hóa cho người dân. Giải quyết đến một giai đoạn nào đó, như luật hiện nay đến trước ngày 15.1.2018, giúp cho ổn định xã hội, mặt bằng pháp lý ổn định rồi sau đó sẽ áp dụng luật mới. Bởi việc người dân xây dựng sai phép nhiều trường hợp do chưa đọc được bản vẽ xây dựng được cấp phép hoặc một số trường hợp trong quá trình xây dựng thấy không hợp lý nên đã điều chỉnh, làm lại cho hợp lý. Cũng có những cái sai không xuất phát từ người dân mà do nhận thức của người cấp phép xây dựng hiện nay cũng “lắt nhắt” khiến người dân dễ bị phát sinh sai phép. Nhà nước quản lý không tốt dẫn đến xây dựng không phép. Vậy nên khi một công trình sai phép, nếu người dân ở rồi mà không có vấn đề gì tranh chấp, không ảnh hưởng đến quy hoạch, hợp quy hoạch thì có thể hợp thức hóa cho người dân.
Mặc dù vậy, ông Nam cho rằng không nên đánh đồng hợp thức hóa giữa sai phạm không phép và sai phép. Bởi nếu hợp thức hóa cho không phép sẽ phá vỡ nguyên tắc giữ kỷ cương và sẽ khuyến khích người dân ngang nhiên vi phạm pháp luật. Khi đó tâm lý của người dân là “cứ xây bừa ra rồi cũng sẽ được hoàn công cấp sổ”. Do đó nên “chẻ” nhỏ các sai phạm ra để xử lý chứ không thể “cào bằng”, nhất là những nhà kinh doanh địa ốc xây dựng không phép mà hợp thức hóa sẽ tạo kẽ hở. “Cần phân định, hướng dẫn ra các trường hợp để tạo sự công bằng trong xã hội, để luật pháp được thực thi một cách công minh”, ông Nam cho hay.
Một chuyên gia xây dựng cho biết ở đa số các nước trên thế giới, chính quyền không đặt ra vấn đề cấp phép xây dựng, nhưng tiêu cực, sai phạm rất ít khi họ chỉ quản lý trên quy hoạch chung, đơn giản thủ tục để người dân tự quyết mà không phải “trình, bẩm” cơ quan chức năng. Trong khi ở ta tiêu cực, sai phép, không phép tràn lan. Mấu chốt là luật can thiệp quá sâu vào chuyện xây nhà của người dân đến từng chi tiết như cái móng phải làm sao, cái cột phải làm sao…
“Việc nhà nước quy định quá chặt trong một bản vẽ xin phép, quá nhiều chi tiết mà một nét vẽ xong không được sửa là can thiệp quá sâu và khiến bộ máy “phình” ra, phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, làm khó người dân. Từ đó dẫn đến việc người dân làm bừa, xây dựng sai phép, không phép. Chính vì vậy, nếu quy định này áp dụng cho trường hợp xây dựng sai phép nhưng hợp quy hoạch sẽ hợp tình hợp lý hơn. Còn xây dựng không phép trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần phải xử lý nghiêm, không được hợp thức hóa.
Đồng quan điểm, theo KTS Nhật Tường, ở các TP lớn, nhất là ở TP.HCM hay Hà Nội các quy hoạch 1/2.000, đặc biệt là quy hoạch chi tiết 1/500 chưa được phủ kín; lực lượng quản lý đô thị, thanh tra xây dựng hoặc quản lý không nghiêm hoặc có những biểu hiện tiêu cực, bao che nên tình trạng xây dựng sai phép, không phép diễn ra nhiều. Quy định mới này sẽ tháo gỡ phiền toái, tránh được sự nhũng nhiễu từ các lực lượng chức năng, đặc biệt là quản lý đô thị và thanh tra xây dựng khi người dân đi hoàn công, làm giấy chứng nhận. “Đã đến lúc chính quyền nên quản lý về mặt quy hoạch, kiến trúc, quy định tầng cao công trình tối đa và tối thiểu, mật độ xây dựng, không nên can thiệp quá sâu vào việc xây dựng của người dân. Khi đó vừa tránh tình trạng tiêu cực vừa tạo sự thông thoáng trong quản lý nhà nước”, KTS Tường phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.