Theo Bộ KH-CN, sau khi nắm bắt được thông tin, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường ở 4 tỉnh miền Trung.
Cụ thể, tính đến chiều ngày 26.4, các đơn vị tham gia khảo sát, phân tích về hiện tượng cá chết gồm có : Tổng cục Thủy sản (Bộ NN - PTNT), thành lập đoàn công tác cùng với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, Viện Nghiên cứu Hải sản, tiến hành lấy mẫu cá chết trong lồng tại Hà Tĩnh; mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du tại Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế.
Các Viện thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN cũng đã vào cuộc phân tích mẫu môi trường và bệnh dịch thuỷ sản; mẫu môi trường nước và tảo độc, khảo sát và nghiên cứu về hải dương, dòng chảy ven bờ; mẫu cá chết và quan trắc môi trường, dòng hải lưu, quan trắc ảnh vệ tinh...
Ngoài các đơn vị nghiên cứu thuộc các bộ, ngành, tại các địa phương có hiện tượng cá chết hàng loạt cũng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, Sở NN-PTNT Quảng Bình và Sở TN-MT Quảng Bình đã lấy mẫu nước và lấy mẫu cá chết, tảo và chất đáy để phân tích.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh Quảng Trị cũng đã lấy mẫu cá gửi cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 2 Đà Nẵng đề nghị kiểm tra một số yếu tố gây độc kim loại nặng; Sở TN-MT Thừa Thiên - Huế đã khảo sát lấy mẫu nước mặt, mẫu trầm tích để phân tích.
Đại diện Bộ KH-CN cho hay, lãnh đạo Bộ đã có cuộc họp với các đơn vị nghiên cứu; các nhà khoa học, nhà quản lý liên quan đến nuôi trồng thủy sản, môi trường, địa chất - địa vật lý biển, hóa học, cơ học, công nghệ vũ trụ, kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, lọc hóa dầu, khai thác khoáng sản... Việc phân tích, đánh giá hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung được các đơn vị nghiên cứu khẩn trương tiến hành và đưa ra nhiều đánh giá và nhận định.
Tuy nhiên, để đưa ra kết luận một cách khoa học, khách quan, toàn diện về hiện tượng này, cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin và nguồn lực giữa các đơn vị nghiên cứu của các bộ, ngành khác nhau. Cần tránh những nhận định khi chưa có đầy đủ căn cứ xác định nguyên nhân của hiện tượng nêu trên.
Dự kiến, Bộ KH-CN sẽ điều phối hoạt động phân tích, đánh giá của các đơn vị nghiên cứu của các bộ, ngành nhằm thống nhất cơ sở khoa học để hỗ trợ kịp thời cho Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT sớm xác định nguyên nhân hải sản chết bất thường.
Điêu đứng vì 'biển chết': Phải hành động để cứu biển!
Nhiều bạn đọc nêu ý kiến phải hành động ngay để biển không biến thành “biển chết”, đồng thời tìm ra nguyên nhân cá biển bị chết hàng loạt, sau khi đọc các bài Điêu đứng vì “biển chết”! và Không hy sinh môi trường đăng trên Thanh Niên ngày 21.4.
Bình luận (0)