Những năm qua tình hình trẻ em tử vong, thương tích do tai nạn xảy ra rất nghiêm trọng, trong đó trẻ bị tử vong do đuối nước chiếm hơn 50%, tiếp đến là do bỏng, tai nạn giao thông, bom mìn.... cao gấp 8 lần so với các nước trong khu vực. Thời gian gần đây, tuy còn chưa tới mùa hè mà đã liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn ở trẻ em gây rúng động dư luận.
Đây là thực tế đau lòng, khiến xã hội, đặc biệt là phụ huynh dấy lên lo ngại về an toàn cho trẻ khi đến trường và sinh hoạt ngoài cộng đồng xã hội.
Tình trạng trẻ em bị xâm hại và bạo lực cũng là nỗi lo của nhiều người. Chỉ tính riêng năm 2012 đã có hơn 3.000 vụ bạo lực và xâm hại trẻ em, trong đó gần 1.000 trường hợp bị xâm hại tình dục. Đặc biệt trong năm 2013 đã xảy ra nhiều vụ bạo lực trẻ em và hiếp dâm tập thể rất nghiêm trọng. Ngoài ra, tình trạng lao động trẻ em cũng đang là một nỗi lo lớn khi còn hơn 25.000 trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.
Nguyên nhân trực tiếp của tình hình trên là do hệ thống chăm sóc bảo vệ trẻ em của nước ta chưa hoàn thiện và hoạt động chưa hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em từ trung ương đến cơ sở còn thiếu về số lượng, năng lực chuyên môn hạn chế nên việc triển khai các hoạt động bị chậm trễ, đặc biệt là công tác phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời để giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ trẻ bị bạo lực.
Nguyên nhân gốc rễ chính là sự đầu tư nguồn lực của nhà nước cho công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em chưa thỏa đáng. Chúng ta thấy có rất nhiều nơi hô khẩu hiệu "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", "Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em"... nhưng người lớn chúng ta phải xem xét lại sự thống nhất giữa khẩu hiệu và việc làm. Thực tế, hằng năm nhà nước đều phân bổ ngân sách cho địa phương để thực hiện các chương trình cho trẻ em nhưng ngân sách tại địa phương dành cho trẻ em lại rất ít. Tại diễn đàn quốc gia về trẻ em tại Hà Nội, một bé gái đã phát biểu: "Ở tỉnh cháu, sân chơi của chúng cháu ít hơn sân tennis của người lớn". Gần 2/3 tỉnh đầu tư cho trẻ em rất thấp, có tỉnh số lượng trẻ em đến gần một triệu mà ngân sách chỉ dành hơn 400 triệu đồng/năm cho công tác này.
Tình trạng trên một phần cũng do hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của gia đình trong sự bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc phòng ngừa và xử lý các nguy cơ xâm hại, bạo lực đối với trẻ. Các "kẽ hở pháp luật" ở lĩnh vực này vẫn thể hiện qua việc thiếu những quy định, chế tài cụ thể nhằm ràng buộc rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc chăm sóc bảo vệ trẻ em nói chung, phòng ngừa cũng như xử lý các vi phạm quyền trẻ em, xâm hại, bạo hành trẻ em nói riêng. Các cơ chế luật pháp cần phải rà soát lại, sửa đổi các điều khoản, bổ sung chế tài, cần có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng tội phạm, bảo mật thông tin, bảo vệ người tố cáo. Trước mắt, trong dự thảo luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội lần này cần được nghiên cứu bổ sung các chương điều về bảo vệ trẻ em.
Cùng với việc bổ sung luật pháp, điều quan trọng là tăng cường nhận thức và sự cam kết vào cuộc của lãnh đạo các cấp cùng với nâng cao trách nhiệm của gia đình. Phải nhận thức đúng được ý nghĩa của các khẩu hiệu chúng ta vẫn đang đưa ra để có sự phân bổ ngân sách, nhân lực hợp lý cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Thứ nữa, mỗi gia đình phải nâng nhận thức trong chăm sóc, giáo dục trẻ em thay vì phó mặc cho người giúp việc, nhà trường, xã hội.
Nguyễn Trọng An
(Nguyên Phó cục trưởng, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em -Bộ LĐ-TB-XH)
Bình luận (0)