Nhiều nỗi lo ở nông thôn

02/04/2012 09:10 GMT+7

Theo Nghị định số 08/2005/NÐ-CP về quy hoạch xây dựng, đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã lập quy hoạch xây dựng vùng; thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung. Riêng số xã chỉ có 23% trong tổng số hơn 9.100 xã của cả nước có quy hoạch tập trung ở trung tâm hành chính, còn các khu dân cư nông thôn hầu như là con số 0!

Nông thôn chờ quy hoạch

 

Khi trao đổi về chuyện nông thôn, GS-TS KTS Hoàng Đạo Kính nói nếu cứ đem cái tư duy quy hoạch lâu nay ở các đô thị mà áp vào nông thôn thì quy hoạch nông thôn chẳng khác gì đẩy người nông dân ra khỏi không gian sống truyền thống của họ!

Theo UBND H.Thăng Bình (Quảng Nam) hiện các xã thuộc huyện chỉ mới có bản đồ hiện trạng và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 1/25.000. Muốn quản lý tốt việc sử dụng đất đai và xây dựng ở nông thôn, cần phải có bản đồ quy hoạch 1/2000 và 1/500, nhất là thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các quy hoạch chi tiết như vậy cần nhân lực có trình độ chuyên môn và kinh phí, nhưng ở huyện đã khó thì cấp xã lại càng khó hơn.

Chúng tôi đã đến làm việc tại xã Điện Hòa thuộc H.Điện Bàn. Theo UBND xã, Điện Hòa mới được phê duyệt quy hoạch khu vực trung tâm xã vào năm 2009, còn ở các khu dân cư, kể cả hệ thống giao thông đều dựa vào thực tế lâu nay chứ chưa thể làm quy hoạch chi tiết.

Hệ quả chung tại các xã nông thôn Quảng Nam là do không có quy hoạch, nên người dân tự xây dựng trong khuôn viên đất vườn mà họ quản lý bằng chính kinh nghiệm tại địa phương và khả năng tài chính. Đối với đường giao thông nông thôn, do thiếu quy hoạch nên cốt nền đường liên xóm, liên thôn chỉ dựa vào nền đất đã có. Nhiều xã vùng đông Thăng Bình và Điện Bàn có tốc độ bê tông hóa giao thông nhanh chóng trong những năm qua, khi tỉnh và huyện đầu tư xây dựng đường nhựa liên xã có cốt nền cao hơn thì toàn bộ đường bê tông xây dựng bị ngập hoặc hư hỏng khi có mưa lũ, gây lãng phí không nhỏ. Vì không có quy hoạch chi tiết, một xã khi nhận được tài trợ xây dựng trường mẫu giáo của một nhà hảo tâm, đã chọn ngay khu sân gạch bỏ không của hợp tác xã nông nghiệp để xây dựng, còn việc bố trí mặt bằng, lối đi, diện tích chiếm đất ra sao đều giao khoán cho bên thi công. Khi được hỏi các công trình xây dựng khác trên phần đất còn lại là công trình gì và sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào, chỉ nhận được trả lời là: Cứ làm rồi tính tiếp. Nếu không làm thì sẽ mất đi nguồn tài trợ! Tại một xã khác ở Quảng Nam, khi xây dựng một bệnh xá đã lấp nguyên một khu ruộng thấp gần 1ha sát đường giao thông và cống thoát nước để bố trí mà không tính hết khả năng thoát lũ ra sao khi mùa mưa đến.

Do kinh tế phát triển, diện mạo nông thôn thời gian qua đã biến đổi theo kiểu "đô thị hóa". Tình trạng không có quy hoạch đã phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống, phá hủy nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Theo đánh giá của Hội KTS Việt Nam, hiện nay hầu hết các làng, xã nông thôn nước ta chưa từng được thiết kế quy hoạch theo đúng nghĩa đen của nó, tức là có được kinh phí từ nguồn ngân sách để thuê một đơn vị tư vấn khảo sát, đo vẽ, đánh giá tiềm năng phát triển... Theo KTS Hà Thế Luân (Hội KTS Ninh Bình), vị trí của quy hoạch xây dựng nông thôn chưa được nhìn nhận thỏa đáng. Các cấp, các ngành hầu như chưa coi đây là vấn đề rộng lớn, vừa có ý nghĩa thiết thực trước mắt, lẫn có tầm quan trọng lâu dài nhằm phát triển kinh tế-xã hội. Hình như xã hội mới chỉ quan tâm những phong trào trước mắt như xóa nhà tranh tre dột nát, kiên cố hóa trường học, bê-tông hóa đường đi; những dự án tái định cư, tuyến dân cư vùng ngập lũ, chương trình 134, 135 hoặc "chấm điểm" cho những trụ sở, nhà văn hóa, trường mầm non... mà chưa hoặc thiếu lo xa cho quy hoạch xây dựng nông thôn.


Môi trường nông thôn đang bị đe dọa bởi rác thải sinh hoạt - Ảnh: Nguyễn Phúc

Xây dựng: mạnh ai nấy làm

Do không có quy hoạch đúng nghĩa, việc xây dựng ở nông thôn hiện nay nhìn chung chẳng khác nào hình ảnh mà người nông dân ví von là “cái cày đặt trước con trâu”. Khi nêu nhận định trên, ông Nguyễn Hữu Thắng, một doanh nhiệp xây dựng tư nhân ở H.Điện Bàn cho biết: Ông đã nhận thầu hàng trăm công trình nhà ở cho nhân dân ở tỉnh Quảng Nam và đều nhận thấy việc xây dựng nhà ở nông thôn có chung tình trạng giống nhau. Đó là người dân xây dựng nhà trong khuôn viên vườn ở của mình, ưng xây kiểu gì, qui mô ra sao thì cứ bàn với thợ ở địa phương, chẳng cần xin phép, thiết kế, chính quyền sở tại cũng chẳng nói gì nếu không có tranh chấp đất đai... Trong khi đó nhiều xã quy định người dân muốn xây dựng trên đất vườn chỉ cần làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng, nộp lệ phí 0,5% hoặc 40% (nếu đất có nguồn gốc sau 1980) để có sổ đỏ. Còn việc xây dựng thì cũng như những nơi khác, tùy khả năng và ý thích của chủ hộ. Tại một xã khác ở H.Điện Bàn có 3.000 hộ dân, mỗi năm có trên 200 trường hợp xây dựng từ tường rào, cổng ngõ, công trình phụ và gần 50 trường hợp xây nhà mới. Lãnh đạo xã này thừa nhận không thể cấp giấy phép xây dựng, dù tỉnh đã có hướng dẫn đăng trên công báo. Lý do, muốn cấp phép phải có thiết kế, có quy hoạch chi tiết các khu dân cư. Mà nếu có, thì trình độ cán bộ xã như hiện nay liệu có đủ năng lực để thẩm định bản vẽ, kết cấu và các yếu tố kỹ thuật khác trong xây dựng để cấp giấy phép?

Thực tế, cán bộ địa chính-xây dựng-môi trường cấp xã tại các huyện mà chúng tôi khảo sát thường chỉ có 1 người, trình độ cao nhất là trung cấp, mức lương dưới 1 triệu đồng/tháng. Có trường hợp là trung cấp quản lý kinh tế, có người chỉ học lực lớp 11 do xã gửi đi tập huấn ngắn ngày ở huyện, tỉnh. Trình độ vậy mà kham bao nhiêu việc. Nhiều nơi muốn xin thêm người lại không có quỹ lương. Tại H.Thăng Bình, một vị lãnh đạo huyện cho biết, việc quản lý xây dựng và giao thông vận tải ở huyện do một cán bộ Phòng Công thương chịu trách nhiệm. Xuống đến xã, có cán bộ địa chính-xây dựng-môi trường, nhưng chỉ mới cáng đáng được việc làm sổ đỏ và tranh chấp đất đai đã không xuể, nói chi đến môi trường, xây dựng!”.

Không gian sống đầy đe dọa

Theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn, nhà cửa của người nông dân hiện nay chất lượng và thẩm mỹ chưa cao vì một số nguyên nhân: Họ xây dựng tự phát, tùy tiện, thiên về tính thực dụng, tư hữu, phô trương; không đủ tiền hoặc không muốn bỏ tiền thuê thiết kế; trong khi giới kiến trúc sư thì chẳng mấy mặn mà vì phần lớn công trình nhỏ. KTS Hoàng Đạo Kính có lần tâm sự: “Kiến trúc nông thôn hiện nay không được hướng dẫn cả về mặt quy hoạch lẫn thẩm mỹ. Không có một cơ quan, một cuốn sách nào hướng dẫn người nông dân xây nhà làm sao để phù hợp điều kiện kinh tế, ít tốn kém mà lại đẹp; cũng chưa thấy có tổ chức, cá nhân nào giới thiệu một mô hình làng đẹp thôn quê. Vấn đề nan giải nhất ở đây là tạo ra mẫu trong thực tế, lấy cái được, cái hay để thuyết phục... Và quan trọng hơn là tìm ra phương thức quảng bá. Kiến trúc nông thôn không chỉ là không gian sống mà còn là không gian văn hóa truyền thống. Ðã đến lúc phải đặt vấn đề bảo tồn và phát huy những làng cổ có giá trị không kém gì những khu phố cổ. Do đó, các ngành chức năng cần vào cuộc để giữ lại và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của làng quê Việt".

Có một thực tế nữa là khuynh hướng xây dựng theo kiểu “đô thị hóa” đang tràn về nông thôn làm cho không gian sống ở đó ngày càng bức bối. Từ chỗ thiếu quy hoạch, các xã lên phương án cấp đất ở cho người dân nông thôn cũng lại chia lô theo kiểu nhà ống ở thành phố (5x20m hoặc 6x20m). Nhà ở chật chội xây dựng bên những con đường bê tông chỉ rộng 3m, không có chỗ thoát nước. Ở xã Điện Hòa có đến 40 hộ chăn nuôi gia cầm, gia súc quy mô lớn ngay giữa các khu dân cư; lại chịu ảnh hưởng xấu về loại chất thải của 4-6 nhà máy gạch, vật tư y tế, gia cầm chung quanh và 97% rác thải của dân cư không được thu gom. “Không chỉ riêng ở đây, mà nhiều xã chung quanh tình trạng chăn nuôi hộ gia đình tràn lan trong các xóm thôn cũng đang đe dọa sức khỏe của người dân rất lớn. Nếu xảy ra dịch bệnh, thì không thể lường hết sự lây lan sẽ nguy hiểm thế nào. Đó là một không gian sống với quá nhiều mối đe dọa cho sức khỏe”, lãnh đạo xã Điện Hòa nói.

Bất cập giao thông nông thôn

Trước hết, giao thông nông thôn lại liên quan đến quy hoạch. Không có quy hoạch chi tiết theo tỉ lệ 1/2000, hầu hết các xã thôn khi xây dựng đường liên thôn, đường từ xã đến thôn đều bức xúc vì không có cốt chuẩn, chỉ dựa vào địa thế tự nhiên. Đến khi có đường nhựa liên xã thì các đường liên thôn, liên xóm lại thấp hơn dẫn đến hệ quả bị ngập nước thường xuyên và xuống cấp. Xây dựng giao thông nông thôn là tạo động lực để phát triển kinh tế hàng hóa, cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Kinh nghiệm ở nhiều địa phương cho thấy: muốn đạt kế hoạch xây dựng giao thông nông thôn, phải xây dựng lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, phân cấp đầu tư quản lý đến cơ chế hỗ trợ xây dựng và các tiêu chí kỹ thuật, thiết kế mẫu… phù hợp điều kiện, đặc thù sinh hoạt, địa chất của từng vùng.

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.