Nhiều nơi vẫn có tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo với lư hương đặt phía trước

Hoài Nhân
Hoài Nhân
19/02/2019 14:34 GMT+7

Ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam, tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo được xây dựng uy nghiêm, với lư hương đặt phía trước để người dân bày tỏ lòng thành kính với vị Quốc công tiết chế có công lớn với dân tộc.

Mới đây, việc lư hương trước tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo (công trường Mê Linh, Q.1, TP.HCM) được di dời đã gây ra nhiều tranh cãi đối với người dân. Theo đó, sau khi lư hương được di chuyển, việc thắp hương, dâng hương sẽ diễn ra ở Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo (số 36 Võ Thị Sáu, Q.1).
Bí thư Quận ủy Q.1, TP.HCM Trần Kim Yến cho hay, việc chuyển dâng hương, dâng hoa ở tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo về Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo nằm trong kế hoạch chỉnh trang Q.1 sau Tết. Công việc dời đã hoàn thành vào ngày 17.2. Lư hương sẽ được đặt vào đúng vị trí ở đền thờ vào ngày 16.1 Âm lịch (ngày 20.2).
Tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo do nhà điêu khắc Phạm Thông sáng tác, được đặt tại công trường Mê Linh vào năm 1967. Bức tượng Hưng Đạo Đại Vương cao gần 6 m, đứng trên một bục lăng trụ tam giác cao gần 10 m. Mẫu tượng do Phạm Thông thiết kế là vị Đại tướng trong y phục võ tướng, một tay tì lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông và nói: “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”. Trước bức tượng này có đặt một lư hương để người dân thắp nhang tưởng nhớ. 
Xung quanh tượng đài vẫn còn bị phong tỏa để cải tạo, sửa chữa HOÀI NHÂN
Ở nhiều tỉnh, thành khác, tượng đài Trần Hưng Đạo được xây dựng uy nghiêm, với lư hương đặt phía trước để người dân bày tỏ lòng thành kính với vị Quốc công tiết chế có công lớn với dân tộc Việt Nam. Đức thánh Trần là minh chứng tiêu biểu về liên hệ giữa các yếu tố lịch sử và dân gian, là huyền thoại hóa cuộc đời và chiến công của các anh hùng lịch sử.
Cụ thể, tượng Đức thánh Trần được đặt ở các nơi như đảo Nam Yết và Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa), Quảng trường 3.2 (Nam Định), đồi Hải Minh (Quy Nhơn), thành phố Nha Trang; thành phố Vũng Tàu…
Một chuyên gia văn hóa ở TP.HCM cho biết: “Ở thành phố Nam Định có tượng đài Trần Hưng Đạo đặt giữa quảng trường, phía trước là một lư hương. Người dân vừa xem đây là nhân vật lịch sử, tưởng niệm vào những ngày có sự kiện lịch sử hoặc ngày giỗ, ngày sinh, ngày mất của vị anh hùng dân tộc này; vừa tôn thờ là thánh để cầu nguyện mỗi ngày".
Tượng Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ở TP Nam Định là nơi nhiều người dân tới chụp hình lưu niệm trong các dịp lễ tết và các sự kiện quan trọng của họ B.H
Người dân thắp nhang trước tượng Trần Hưng Đạo trên đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) LÂM VIÊN
Bức tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo ở Tiền Giang Hoàng Phương
Lư hương, bát hương phổ biến trong tục thờ cúng của người Việt
“Trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt chúng ta, lư hương là thứ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên và các đền, miếu thờ phụng. Riêng với các tượng đài công cộng về nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, cũng thường có lư hương, bát nhang để cúng bái, tưởng niệm. Thế nhưng điều đó không bắt buộc, có thể có cũng có thể không”, một chuyên gia văn hóa ở TP.HCM cho biết.
Chuyên gia này nói thêm: "Xu hướng văn hóa ở miền Bắc là tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa, thiêng liêng hóa nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa rất mạnh, biểu hiện bằng nhiều lễ hội, tập tục để thần linh sẽ tồn tại, hiện hữu phù hộ họ. Ở miền Nam thể hiện điều này phần nào ít hơn”.
Cũng theo chuyên gia này, "về mặt văn hóa, tín ngưỡng, khi di dời lư hương đang thờ phụng từ vị trí này sang vị trí khác, người ta thường phải coi ngày giờ phù hợp và khấn vái xin phép để mọi việc được suôn sẻ, tốt đẹp"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.