Nhiều nông sản bị 'áp lực' từ sầu riêng

Chí Nhân
Chí Nhân
02/08/2024 06:25 GMT+7

Bất chấp giá nhiều loại rau quả tăng mạnh, nông dân vẫn không mặn mà mở rộng khi so sánh với mức lợi nhuận mà "vua trái cây" sầu riêng mang lại.

Sầu riêng tiếp tục tăng trưởng nóng

Vào thời điểm này, người dân Tây nguyên đang bước vào vụ thu hoạch rộ sầu riêng chính vụ. Những chiếc xe công nông, xe tải lớn, nhỏ chở sầu riêng tới lui tấp nập trên nhiều cung đường từ thôn quê đến thành thị. Người dân địa phương ví von đây là hiện tượng "tiền tỉ chạy đầy đường".

Gần đây lượng sầu riêng thu hoạch tăng và mưa nhiều nên giá sầu riêng giảm khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg, giống Dona mua xô khoảng 75.000 - 78.000 đồng/kg, giống Ri6 từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Nhiều người hy vọng mưa giảm, nắng trở lại để việc thu hoạch được thuận lợi, giá tăng. Dù vậy, các doanh nghiệp đều thừa nhận mức giá hiện tại đang rất tốt và cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 10.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do năm nay nguồn cung từ Thái Lan sụt giảm nên sầu riêng VN được giá.

Nhiều nông sản bị 'áp lực' từ sầu riêng- Ảnh 1.

Sầu riêng phát triển nóng đang tạo áp lực cho nhiều loại cây trồng khác

CHÍ NHÂN

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, cho biết sầu riêng Tây nguyên bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 6, nhưng cao điểm từ tháng 8 - 10. Giai đoạn này, giá sầu riêng khá tốt và có xu hướng tăng do nguồn cung từ đối thủ Thái Lan giảm dần vì vào cuối vụ. Càng về cuối năm, giá sầu riêng VN càng cao nhờ ở thế một mình một chợ.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), dự báo: Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2024 có thể đạt tới 3 tỉ USD, thậm chí có thể tiếp tục bứt phá, đạt 4 - 5 tỉ USD trong một vài năm tới. Tuy nhiên, để đạt được những kỳ vọng trên, đòi hỏi các bộ, ngành phải tiếp tục mở cửa thị trường đồng thời với việc tăng cường công tác giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm. Bộ NN-PTNT cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng cho mặt hàng sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh.

Sự tăng trưởng nóng về giá và lượng thời gian qua đã đẩy diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh ở khắp các vùng miền trên cả nước. Cuối năm 2023, các cơ quan chuyên môn ước tính diện tích trồng sầu riêng của VN lên tới 130.000 ha, tăng 20% so với năm trước. Tuy nhiên theo cập nhật vào tháng 6.2024 của Cục Trồng trọt, đến cuối năm 2023 diện tích trồng sầu riêng cả nước đã lên tới 151.000 ha, tăng gần 40.000 ha so với năm 2022 và tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Các tỉnh Tây nguyên chiếm một nửa diện tích trồng sầu riêng cả nước với 75.500 ha, kế đến là Đông Nam bộ (52.000 ha), các tỉnh ĐBSCL (43.000 ha); ngay cả các tỉnh duyên hải nam Trung bộ cũng đã kịp trồng tới hơn 7.000 ha. "Cần lưu ý là diện tích trồng sầu riêng của Thái Lan cũng chỉ có 137.000 ha vào năm 2022", đại diện Cục Trồng trọt thông tin.

Dù diện tích sầu riêng tăng mạnh, nhưng đầu ra chủ yếu vẫn phụ thuộc thị trường Trung Quốc, các nước khác có tăng nhưng chưa đáng kể. Bên cạnh đó, hiện tại thị trường Trung Quốc vẫn chỉ mới cấp phép cho sầu riêng tươi của VN mà chưa mở cửa với mặt hàng sầu riêng đông lạnh. Chính vì vậy, nhiều nhà vườn trồng mới vẫn phập phồng "liệu có kịp hái quả ngọt" sau 3 - 4 năm nữa.

Gây áp lực lên diện tích hồ tiêu

Theo nhiều nhà vườn và chuyên gia, cơn sốt sầu riêng có lẽ đã nóng hơn rất nhiều nếu những mặt hàng đối trọng như cà phê và hồ tiêu thời gian qua không tăng giá mạnh. Việc giá cà phê tăng 70 - 80%, giá hồ tiêu tăng hơn 120% đã giúp sầu riêng "bớt sốt" và tạo thế cân bằng hơn ngay trên từng mảnh vườn.

Nhiều nông sản bị 'áp lực' từ sầu riêng- Ảnh 2.

Giá hồ tiêu dù tăng gấp đôi vẫn khó cạnh tranh với sầu riêng

HOÀNG NGUYỄN

Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Eatu ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nói: Năm nay bà con được hưởng niềm vui trọn vẹn khi cả 3 sản phẩm chủ lực đều có giá tốt. Đầu năm nay bà con bán cà phê giá 80.000 - 90.000 đồng/kg, vừa qua hạt tiêu cũng được giá 140.000 - 150.000 đồng/kg và giờ là sầu riêng giá 80.000 đồng/kg. "Sản phẩm nào giá cũng tốt, bà con vui như hội. Nếu giá cà phê hay hồ tiêu vẫn thấp như mấy năm trước thì có lẽ người ta chuyển sang trồng sầu riêng còn nhiều hơn hiện tại. Tuy nhiên hiện nay, dù sầu riêng có lợi thế kinh tế cao hơn, nhưng đa phần bà con cũng ý thức được việc trồng chuyên canh hay độc canh một loại thì rủi ro rất cao, nên đa phần mọi người đều giữ thế kiềng 3 chân hiện tại", ông Trọng tâm sự.

Dù vậy, áp lực từ giá sầu riêng tăng mạnh vẫn khiến nhiều nhà nông đứng ngồi không yên. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị VN (VPSA) cho biết trong đợt khảo sát tại 3 tỉnh Tây nguyên vào đầu tháng 7 vừa qua, nhiều nông dân cho biết dù giá hồ tiêu tăng cao và hiện đạt tới mức 150.000 đồng/kg, cao gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước, nhưng bà con không có ý định mở rộng diện tích do sầu riêng và cà phê cũng đang mang lại lợi ích kinh tế tốt. VN là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất thế giới, nhưng vì nông dân không mở rộng diện tích ào ạt như trước kia nên khả năng giá tiếp tục tốt trong những niên vụ tới.

"Ngành hồ tiêu của chúng ta có thể tự hào là nguồn cung cấp chính và là người ra giá và quyết định bán sản phẩm trên thị trường thế giới, chứ không phải khách hàng đâu đó ở châu Âu hay Mỹ. Cơ hội gia tăng xuất khẩu hồ tiêu và cây gia vị của VN còn lớn, đặc biệt là các sản phẩm chế biến và mỗi năm năng lực của các doanh nghiệp xử lý đến trên 140.000 tấn. Trong khi cà phê và sầu riêng rất hấp dẫn về thu nhập, nhưng những nông dân vẫn còn gắn bó với cây tiêu đang tăng cường đầu tư chăm sóc để phục hồi năng suất, sản lượng, chất lượng cho vườn tiêu hiện có", bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, nói.

TS Đoàn Hữu Tiến, Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền Nam), nhận định: Từ khi được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, sầu riêng đã nhanh chóng trở thành ngành hàng tỉ USD và là nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước so với nhiều loại trái cây khác. Hiệu quả kinh tế mà cây sầu riêng mang lại cũng khá cao, nên đã kích thích nhà vườn mở rộng diện tích, kể cả những vùng trồng không đảm bảo về điều kiện sản xuất.

"Ở góc độ chuyên môn, chúng tôi cho rằng bà con cần thận trọng. Đầu tiên nên tránh mở rộng diện tích ở những vùng trồng không có điều kiện về đất đai, khí hậu, nguồn nước vì sẽ dẫn đến giá thành sản xuất cao, rất khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, sầu riêng phải mất đến 4 - 5 năm sau khi trồng mới cho thu hoạch lứa đầu tiên, đòi hỏi nhà vườn có tiềm lực tài chính đủ tốt. Ước tính chi phí đầu tư cho 1 cây sầu riêng từ khi trồng đến vụ thu hoạch đầu tiên khoảng 5 triệu đồng/cây; nhưng lúc đó giá sầu riêng trên thị trường ra sao thì không ai biết. Sầu riêng cũng là loại cây đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao và nhiều kinh nghiệm chăm sóc. Đó là những điều cần phải lưu ý để không mở rộng bất chấp diện tích sầu riêng", ông Tiến khuyến cáo.

Nhiều nông sản bị 'áp lực' từ sầu riêng- Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.