Nhiều nông sản 'hốt' tỉ USD ngay đầu năm

02/03/2024 07:14 GMT+7

Hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN đã bứt tốc ngay từ đầu năm, có ngành đạt gần 2 tỉ USD chỉ trong 2 tháng.

2 tháng, nông sản xuất siêu 2,68 tỉ USD

Theo Bộ NN-PTNT, 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 9,84 tỉ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỉ USD, tăng gần 2,9 lần. Trong đó, đóng góp vào kết quả này có: nông sản 5,18 tỉ USD (tăng 55,7%); lâm sản 2,9 tỉ USD (tăng 59,7%); thủy sản 1,37 tỉ USD…

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) thông tin trong tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 1 tỉ USD.

Nhiều nông sản 'hốt' tỉ USD ngay đầu năm- Ảnh 1.

Xuất khẩu sầu riêng có khả năng sẽ đạt 3,5 tỉ USD trong năm nay

CÔNG HÂN

Đối với mặt hàng cà phê, thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy nửa đầu tháng 2.2024, VN xuất khẩu gần 57.000 tấn cà phê, kim ngạch đạt 184,4 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15.2, lượng cà phê xuất khẩu đạt gần 295.000 tấn, kim ngạch đạt 911 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng 26,6%, nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng mạnh 79,7%. Hiện nay giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng gần 43% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê cho biết tháng 2 trùng với dịp Tết Nguyên đán nên nhiều đơn hàng chậm lại. Tuy nhiên, đà xuất khẩu tăng trở lại trong nửa cuối tháng 2, đạt thêm 200 - 300 triệu USD. Vì thế, mặt hàng này có thể thu về hơn 1 tỉ USD trong 2 tháng đầu năm, tăng 50% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, sau nhiều năm rơi khỏi top 5 mặt hàng xuất khẩu kim ngạch cao nhất, đến nay cà phê đã quay trở lại và đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ ba trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ và thủy sản. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của cà phê cũng chỉ thấp hơn mặt hàng thủy sản 22 triệu USD.

Mặt hàng đồ gỗ và lâm sản sau một năm thất vọng vì không đạt chỉ tiêu (chỉ đạt 16 tỉ USD cả năm 2023 so với kế hoạch 17,5 tỉ USD) đã nhanh chóng vụt sáng và lấy lại phong độ. Trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đã đạt 1,5 tỉ USD và bước sang tháng 2 tiếp tục duy trì con số ổn định, tính chung 2 tháng đầu năm đã đạt xấp xỉ 3 tỉ USD. Với khởi đầu ấn tượng này, ngành đồ gỗ kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong cả năm để lập nên kỳ tích mới.

Một ngành hàng khác tiếp tục thăng hoa mạnh mẽ, phát triển liên tục 2 năm nay là trái cây, rau quả. Trong 2 tháng qua, xuất khẩu rau quả tăng trưởng tốt, dù tháng 2 rơi vào thời điểm nghỉ tết. Tính chung 2 tháng đầu năm, ngành rau quả đã mang về gần 800 triệu USD, tăng trưởng đến 40% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều nông sản 'hốt' tỉ USD ngay đầu năm- Ảnh 2.

Xuất khẩu tôm đang tăng trưởng trở lại

CÔNG HÂN

Tiến đến các kỷ lục mới

Nhận định về thời cơ cho ngành thủy sản trong năm 2024, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, phân tích: "Mặc dù nhiều DN cho biết thị trường chưa thực sự khởi sắc và còn nhiều khó khăn, nhưng những con số tăng trưởng cao của tháng đầu năm vẫn mang lại cảm xúc tin tưởng và hy vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm nay. Vẫn còn đó những vấn đề DN xuất khẩu thủy sản phải đối mặt như tình trạng dư cung, tồn kho nhiều, giá mua thấp, áp lực cạnh tranh lớn…, song chúng ta có thể hy vọng nửa cuối năm giá bán sẽ tốt hơn khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu của các thị trường hồi phục. Những thách thức mới như căng thẳng biển Đỏ làm cước vận tải tăng, "thẻ vàng" IUU và thuế chống trợ cấp sẽ làm khó cho DN, nhưng với bản lĩnh vượt khó, kinh nghiệm thương trường và sự linh hoạt, nhạy bén, DN sẽ biến nguy thành cơ, khai thác và phát triển được các sản phẩm và thị trường phù hợp bối cảnh mới".

Theo VASEP, một số diễn biến như việc Mỹ và EU cấm thủy sản của Nga, khiến Trung Quốc trở thành thị trường mục tiêu của DN Nga ít nhiều cũng làm giảm thị phần của các nước khác tại thị trường này. Hoặc việc Trung Quốc cấm nhập thủy sản Nhật Bản hay Mỹ và EU cảnh báo vấn đề lao động cưỡng bức tại các nhà máy chế biến Trung Quốc, là những tác nhân thúc đẩy các DN Nhật, Mỹ, châu Âu tìm kiếm đối tác ở VN. Ngoài ra, chúng ta còn có các cơ hội thị trường khác, như phân khúc thị trường cho hàng khô, đồ hộp ở các khu vực bị ảnh hưởng chiến tranh, lạm phát cao hoặc cơ hội ở những thị trường có vị trí gần hơn như các nước ASEAN, giảm thiểu thiệt hại do chi phí vận tải tăng cao…

"Với sự linh hoạt và thích ứng của DN thủy sản, hy vọng rằng năm 2024, xuất khẩu thủy sản sẽ cao hơn năm 2023, có thể tới mốc 9,5 tỉ USD", đại diện VASEP dự đoán.

Đối với mặt hàng đồ gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN (VIFOREST), nhận định: "Hiện nay vấn đề cước vận tải đường biển đã giảm nhiệt, cước vận tải container 40 feet từ VN sang châu Âu chỉ còn 3.786 USD, tuy vẫn rất cao so với các năm trước nhưng đã giảm so với tháng 1. Với kết quả xuất khẩu thuận lợi từ đầu năm, ngành chúng tôi phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2023 và quay trở về mốc cao nhất của năm 2022".

Đại diện Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN cũng lạc quan khi nhận định: "Nguồn cung trên thị trường đang thiếu nên đây là lợi thế cho các đơn vị xuất khẩu trong nước. Ngoài ra, việc EU đưa cà phê vào diện phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) từ giữa năm 2023 cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá nông sản này khi nhiều nước chưa kịp đáp ứng. Do đó, cà phê VN tiếp tục được hưởng lợi về giá. Quan trọng hơn, VN là nước sản xuất và cung cấp Robusta số 1 thế giới nhiều năm nay. Cả thế giới đã quen với việc mua cà phê Robusta của VN và gần đây nhiều tập đoàn chế biến cà phê rang xay trên thế giới đã thay đổi công thức rang xay của họ với thành phần lớn là Robusta VN, một phần vì thị hiếu tiêu dùng đã thay đổi và mặt khác cũng giúp giảm giá thành sản phẩm".

Với tình hình này, nhiều chuyên gia thuộc Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN dự báo xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 4,5 - 5 tỉ USD trong năm 2024. Đây sẽ là năm đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu cà phê của VN.

Giữ được phong độ ổn định từ năm 2023, mặt hàng rau quả đang ngày càng tăng trưởng nhờ xâm nhập thị trường Trung Quốc và mở rộng thêm nhiều thị trường khó tính khác. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, khẳng định: "Sản phẩm sầu riêng là quan trọng nhất. Với Nghị định thư đã được ký kết giữa VN và Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng sẽ mang về 3,5 tỉ USD trong năm nay. Đặc biệt, dừa trái hứa hẹn cho kim ngạch từ 500 - 600 triệu USD nếu Nghị định thư được ký kết. Cùng với các mặt hàng chủ lực khác như: thanh long, bưởi, chuối, chanh dây, xoài…, xuất khẩu rau quả năm 2024 sẽ đạt giá trị kim ngạch ít nhất 6,5 tỉ USD, thậm chí lên đến 7 tỉ USD, là mức cao kỷ lục từ trước đến nay".

Các mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu thủy sản đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái: tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực và bạch tuộc tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%. Thị trường tiêu thụ thủy sản tăng đột phá nhất là Trung Quốc và Hồng Kông tăng gấp hơn 3 lần, xuất khẩu sang Mỹ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.