Theo Bloomberg, dù việc nâng lãi suất là chuyện từ lâu được dự báo, thời gian thắt chặt tiền tệ kéo dài của Fed có thể khiến thị trường mới nổi lo lắng. Châu Á từng lao đao hồi năm 2013 khi cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke úp mở về việc chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng, khiến dòng vốn ào ạt chảy ra.
Trung Quốc đang dẫn đầu xu hướng ''bồi đắp'' dự trữ ngoại hối khi tiếp tục mua trái phiếu Mỹ sau đợt cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ lớn nhất kể từ năm 2000. Dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới tăng 24,03 tỉ USD lên 3.054 tỉ USD trong tháng 5, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4.2014. Nhân dân tệ (CNY) mạnh hơn và tình hình luồng vốn thoái giảm đi giúp giới chức Bắc Kinh củng cố dự trữ ngoại hối.
Dự trữ ngoại hối của Malaysia, Singapore và Indonesia cũng tăng mạnh. Dự trữ ngoại hối Ấn Độ thì đang ở mức cao kỷ lục nhờ dòng vốn lớn đổ vào thị trường chứng khoán.
Giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á Frederic Neumann tại ngân hàng HSBC ở Hồng Kông nhận định: “Châu Á đang tăng cường các biện pháp phòng vệ. Việc này sẽ giúp các ngân hàng trung ương có khả năng hơn trong việc chống lại bất kỳ sự biến động tiềm năng nào trong những tháng tới nếu Fed có hành động”.
Việc Fed nâng lãi suất có thể gây tác động lên khắp châu Á vì dòng vốn bị thu hút đến Mỹ nhờ lợi suất cao hơn, gây ra biến động trên thị trường tài chính, thúc đẩy chi phí đi vay trong khu vực. Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các khoản nợ bằng đồng đô la Mỹ.
Các nguyên tắc cơ bản được cải thiện cũng là lý do giải thích vì sao dự trữ ngoại hối các nước châu Á tăng lên. Tăng trưởng trên toàn khu vực vẫn khỏe, phần lớn là nhờ kinh tế Trung Quốc tiếp tục thể hiện tốt hơn so với dự báo rằng nước này đang đi xuống. Nhu cầu của Mỹ và châu Âu cũng tăng lên, xuất khẩu từ các nước như Hàn Quốc, Ấn Độ đang ở ngưỡng cao nhất trong nhiều năm qua, ngay cả trong bối cảnh lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ đang lên cao.
Tiền cũng đổ về châu Á vì nhà đầu tư tăng gấp đôi dự báo về tiềm năng kinh tế của các nước như Malaysia, Philippines và Indonesia. Hãng xếp hạng tín dụng S&P vừa nâng mức xếp hạng của Indonesia trong tháng 5, mở đường cho dòng vốn lớn chảy vào nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương Bejoy Das Gupta của Viện Tài chính Quốc tế cho hay: “Khu vực đang hưởng lợi từ triển vọng tăng trưởng tốt hơn, các nguyên tắc cơ bản vĩ mô vững chắc, cải cách có tiến bộ, tình hình bên ngoài thuận lợi và tình hình chính trị trong nước ổn định”. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), châu Á có thể tăng trưởng hơn 5% trong năm nay và năm sau, cao hơn hẳn so với mức trung bình thế giới là 3,5% trong năm nay.
tin liên quan
USD rơi xuống mức thấp nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald TrumpGiá trị USD vừa hạ xuống mức đáy bảy tháng so với một giỏ nhiều loại tiền tệ hôm 6.6, xóa sạch mức tăng hậu bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.
Bình luận (0)