Nhiều nước Đông Nam Á trở thành ‘mỏ vàng’ của dân đào Bitcoin

Khánh An
Khánh An
14/06/2024 18:53 GMT+7

Nhiều người đào Bitcoin đổ xô sang Malaysia, Indonesia, Lào và Thái Lan để khai thác tiền kỹ thuật số này, kéo theo sự phát triển của việc đào bitcoin và sản xuất thiết bị liên quan.

Nhiều nước Đông Nam Á trở thành ‘mỏ vàng’ của dân đào Bitcoin- Ảnh 1.

Một cơ sở khai thác bitcoin trộm cắp điện bị triệt phá ở Malaysia

Ảnh chụp màn hình The Star

Hãng Bloomberg ngày 14.6 đưa tin nhiều thợ đào tiền kỹ thuật số Bitcoin đổ xô sang các nước Đông Nam Á, tiếp tục tìm kiếm những mảnh đất màu mỡ, sau khi Trung Quốc cấm hoạt động này vào năm 2021.

Theo dữ liệu của Đại học Cambridge (Anh), Mỹ dẫn đầu toàn cầu về hashrate (tỷ lệ băm), thước đo sức mạnh tính toán được sử dụng để xử lý các giao dịch trên mạng Bitcoin, liên quan tốc độ mà một máy tính có thể hoàn thành quá trình đào ra tiền kỹ thuật số.

Lợi thế của khu vực

Giờ đây, các nước Đông Nam Á đang vươn lên, với Malaysia chiếm 2,5% hashrate toàn cầu, xếp trong nhóm 10 nước dẫn đầu.

Theo chuyên gia Alexander Neumuller tại Đại học Cambridge, kết quả sơ bộ từ nghiên cứu về hoạt động khai thác gần đây cho thấy hashrate ở Indonesia cũng tăng đáng kể.

Giới đào Bitcoin cho biết Đông Nam Á thu hút họ nhờ giá điện cạnh tranh, lao động có kỹ năng và quan trọng là hạ tầng có sẵn.

Đào Bitcoin là gì?

Đào Bitcoin là quá trình tạo mới Bitcoin thông qua việc xác nhận và ghi chép các giao dịch trên mạng lưới blockchain (chuỗi khối). Quá trình đào Bitcoin được thực hiện bởi các máy tính chạy phần mềm đào và những người tham gia quá trình này được gọi là "người đào Bitcoin" hoặc "thợ đào Bitcoin".

Blockchain (chuỗi khối) có thể xem là một nền tảng công nghệ rộng lớn. Hình dung đơn giản thì đây nơi thông tin được phân cấp, lưu trữ trong những "khối" (block) được liên kết (chain) với nhau, mã hóa và có khả năng mở rộng theo thời gian. Các khối này liên kết để chống lại việc tự ý thay đổi dữ liệu. Bất kỳ thông tin nào muốn thay đổi sẽ cần sự đồng ý của toàn bộ chuỗi.

Những dàn máy đào Bitcoin đang mọc lên khắp khu vực, trong các trung tâm thương mại, các nhà máy thép đã ngừng hoạt động và gần những dự án thủy điện, nơi họ có thể tiếp cận nguồn điện dồi dào.

Một số công ty đào Bitcoin cố gắng hoạt động hợp pháp, dù thiếu các quy định rõ ràng. Một số khác đang dùng điện bất hợp pháp, dẫn đến việc bị cơ quan chức năng triệt phá.

Kéo theo sản xuất

Các nhà sản xuất dàn máy đào Bitcoin cũng di chuyển theo những người khai thác, chuyển một số hoạt động sang Đông Nam Á nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng và cũng như nhiều ngành khác đang tránh thuế suất của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.

Theo ông Ben Gagnon, giám đốc về khai thác tại Công ty Bitfarms (trụ sở tại Canada), trước khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% lên nhiều mặt hàng điện tử tại Trung Quốc vào năm 2018, sản xuất máy đào Bitcoin "hầu như toàn bộ" đặt tại Thâm Quyến và Quảng Châu.

Giờ đây, rất nhiều dàn máy đào Bitcoin được sản xuất tại Malaysia. "Còn có những điểm sản xuất tại Thái Lan, Indonesia, Đài Loan và Mỹ", theo ông Gagnon, người từng thăm các cơ sở sản xuất ở Penang (Malaysia) và Indonesia để kiểm tra việc kiểm soát chất lượng.

Một số cơ sở sản xuất thuộc Bitmain hoặc đối thủ cạnh tranh MicroBT. Bitmain từ chối bình luận, còn MicroBT xác nhận có những cơ sở sản xuất ở Thái Lan và Mỹ.

Cơ hội và thách thức

Việc lập các cơ sở khai thác Bitcoin cũng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều cơ sở hoạt động tại những nơi khó ngờ tới, với sự tồn tại bấp bênh do sự thay đổi thường xuyên trong lập trường của các cơ quan quản lý.

Hoạt động đào Bitcoin tại Lào, nơi có ngành thủy điện đang phát triển, đã bị đình trệ do đợt hạn hán khắc nghiệt trong năm nay, đồng nghĩa với việc công ty điện lực nhà nước đã rút nguồn cung cấp điện cho các thợ đào Bitcoin.

Theo Reuters dẫn lời cố vấn Somboun Sangxayarath tại Tổng công ty Điện lực Lào, khai thác tiền điện tử ngày nay chiếm hơn 1/3 tổng nhu cầu năng lượng trong nước.

Trong khi đó, cảnh sát thường xuyên triệt phá các trường hợp trộm điện để khai thác Bitcoin tại Malaysia, Indonesia và Lào.

Theo cựu Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Malaysia Takiyuddin Hassan, hành vi trộm cắp điện của những người khai thác Bitcoin đã khiến Malaysia thiệt hại ước tính khoảng 2,3 tỉ ringgit (550 triệu USD) và con số này còn tăng vào đầu năm 2022.

Bất chấp những thách thức như trên, Đông Nam Á dự kiến sẽ có sự tăng trưởng đáng kể trong cả khai thác Bitcoin và sản xuất thiết bị liên quan. Ông Taras Kulyk, người sáng lập và CEO của SunnySide Digital (Canada), nhà phân phối phần cứng trung tâm dữ liệu, cho rằng "Đông Nam Á sắp cất cánh trong vài năm tới".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.