Trung Quốc đã bỏ hàng tỉ USD nợ Mỹ trong năm 2015. Một số nước khác như Nhật Bản, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ cũng có động thái tương tự Đại lục.
Ảnh: Shutterstock |
Theo CNN, chủ nợ lớn nhất của Mỹ đã bán 18 tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ vào tháng 12.2015. Nhật Bản thậm chí còn bán nhiều hơn với 22 tỉ USD. Năm qua, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ cũng giảm mức nắm giữ nợ Mỹ. Tổng số nợ Mỹ bị các ngân hàng trung ương trên thế giới từ bỏ năm qua lên kỷ lục.
Nhiều nước đang chật vật với hiện trạng suy thoái kinh tế thế giới. Điều này buộc các ngân hàng trung ương phải rút bớt để củng cố nền kinh tế nước nhà.
Ngân hàng trung ương ở Nhật Bản và Thụy Điển mới đây phải dùng cả lãi suất âm để thúc đẩy các nhà băng cho vay. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mua vào trái phiếu của các nước thành viên còn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thì đang bơm tiền vào hệ thống tài chính.
Tổng cộng, các ngân hàng trung ương bán ra 225 tỉ USD nợ kho bạc Mỹ vào năm 2015, mức cao nhất kể từ 1978 - năm đầu tiên dữ liệu được ghi nhận.
Đối với nhiều ngân hàng trung ương, bán trái phiếu kho bạc Mỹ cung cấp cho họ tiền mặt để vực dậy nội tệ. Chuyên gia chiến lược tiền tệ thị trường mới nổi Win Thin tại hãng Brown Brothers Harriman cho hay những biện pháp can thiệp này đang cố gắng tháo gỡ tình hình.
Chính phủ nước ngoài bán trái phiếu kho bạc Mỹ nhiều hơn là mua trong 11/12 tháng năm 2015, theo số liệu Kho bạc Mỹ cung cấp. Tình hình “tháo chạy” khỏi nợ Mỹ là dấu hiệu của hai điều: mức độ quyết liệt trong hành động của các ngân hàng trung ương nhằm giữ cho nền kinh tế diễn biến tốt khi toàn cầu suy yếu, và các quốc gia đang bắt đầu bán dự trữ của họ sau nhiều năm gia tăng tiết kiệm
Giải cứu nội tệ
Một đồng tiền yếu thường phản ánh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái. Đơn cử, Nga và Brazil đều đang trong suy thoái và có bản tệ lao dốc không phanh.
Cả hai nước này cùng nhiều quốc gia đang phát triển khác phụ thuộc vào các loại hàng hóa như dầu, kim loại và thực phẩm để thúc đẩy tăng trưởng. Giá cả hàng hóa đi xuống thường kéo theo chuyện tiền tệ mất giá và khi tiền tệ mất giá, tiền mặt có xu hướng chảy ra ngoài quốc gia, đến nơi trú ẩn an toàn hơn. Vì vậy, các ngân hàng trung ương đã và đang cố gắng ngăn chặn luồng vốn thoái ồ ạt bằng cách giảm bớt độ lao dốc nội tệ.
Trung Quốc chi 500 tỉ USD năm ngoái để vực dậy nhân dân tệ. Tuy chi như trên, lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà các định chế nhà nước và khu vực tư nhân Trung Quốc nắm giữ cũng tăng lên một chút so với năm liền trước. Dù các ngân hàng trung ương đang bán ra nợ Mỹ, các nhà đầu tư tư nhân vẫn có nhu cầu trái phiếu kho bạc nền kinh tế lớn nhất thế giới dồi dào.
Kết thúc "dư thừa tiết kiệm"
Giá cả các loại hàng hóa bùng nổ từ năm 2003 đến 2013 vì nhu cầu rất lớn của Trung Quốc, kéo kinh tế nhiều quốc gia giàu hàng hóa như Brazil đi lên theo.
Thời gian đó, những nước như Brazil tận dụng sự bùng nổ để làm dày dự trữ ngoại hối bằng cách mua hàng trăm tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke gọi đây là “dư thừa tiết kiệm toàn cầu”.
Sau một thập kỷ tăng cường dự trữ ngoại hối, đến năm 2015, các ngân hàng trung ương cuối cùng cũng bắt đầu bán ra. Tổng dự trữ ngoại tệ đạt 12.000 tỉ USD vào năm 2014 giảm xuống còn 11.500 tỉ USD năm 2015, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Năm ngoái, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong 25 năm. Nhu cầu của Đại lục với các loại hàng hóa giảm đi, góp phần khiến giá cả giảm mạnh, ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế và tiền tệ trên thế giới.
Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đang chật vật để ngăn đà lao dốc bản tệ, chuyện bán nợ Mỹ có thể là xu hướng trong một thời gian.
Bình luận (0)