Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 11.4, ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết qua tìm hiểu kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, Chính phủ đề xuất quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý, tại điều 59 của dự thảo luật.
Cụ thể, dự thảo luật quy định trường hợp kết luận tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có dấu hiệu cho thấy phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm này có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cục thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
Dự thảo luật cũng quy định người bị truy thu thuế có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa, đồng thời khẳng định việc thu thuế không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được tài sản có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
Theo ông Lê Minh Khái, phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở nước ta hiện nay, nhằm thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều không có đủ bằng chứng xác thực về căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật.
“Luật Phòng chống tham nhũng coi như đã có một khoản thu nhập được tích lũy trong quá khứ nhưng chưa kê khai và do vậy, sẽ phát sinh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của pháp luật”, ông Khái nói, và cho biết dự thảo cũng bổ sung một số điều của luật Thuế thu nhập cá nhân để xác định mức chịu thuế thu nhập đối với tài sản này là 45%.
Cũng theo ông Khái, cơ quan Chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc - UNODC, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của các quốc gia thành viên để nhân rộng cho các quốc gia thành viên khác đã coi việc đánh thuế đối với tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng là một phương thức thu hồi tài sản thay thế.
Phương án thu thuế đối với các khoản thu nhập, tài sản bất minh, trong đó có từ hành vi có dấu hiệu tham nhũng, đã được thực hiện ở một số quốc gia như Mỹ, Australia, New Zealand và một số quốc gia khác.
Cho rằng đề xuất của Chính phủ rất hay, song bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị ban soạn thảo giải thích rõ, việc thu thuế tài sản cũng như minh bạch thu nhập ở các quốc gia áp dụng thu thuế đối với tài sản không có nguồn gốc rõ ràng như thế nào.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đề nghị cần phải làm rõ khái niệm “giải trình một cách hợp lý”, nếu không sẽ rất khó đảm bảo tính khả thi vì người này có thể cho rằng hợp lý còn người kia lại không.
Bên cạnh đó, mặc dù tán thành quy định thu thuế đối với tài sản kê khai không trung thực, song ông Định cho rằng không quy định cụ thể mức thuế suất 45% mà tính trên mức thu nhập cụ thể dựa trên luật Thuế thu nhập cá nhân.
Bình luận (0)