Nhiều phụ nữ không thể vay vốn khởi nghiệp vì giấy tờ đất chỉ đứng tên chồng

23/02/2023 20:30 GMT+7

Theo Phó chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội Nguyễn Thu Hà, thời gian qua có nhiều nữ doanh nghiệp đi vay vốn để khởi nghiệp nhưng giấy tờ nhà đất lại chỉ đứng tên chồng nên không thể vay vốn.

Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Hà Nội vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo luật Đất đai sửa đổi. Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí về chủ trương sửa đổi luật Đất đai; đồng thời tập trung thảo luận đóng góp về các điều, khoản có liên quan trực tiếp đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới; các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất...

Nhiều phụ nữ không thể vay vốn khởi nghiệp vì giấy tờ đất chỉ đứng tên chồng - Ảnh 1.

Nhiều phụ nữ khó vay vốn khởi nghiệp vì giấy tờ đất đứng tên chồng

KHẮC HIẾU

Theo bà Nguyễn Thu Hà, Phó chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, cần công khai, minh bạch thông tin quy hoạch để tránh trường hợp lợi dụng tung tin, thu lợi bất chính. Ngoài ra, bà Hà cho biết, thời gian vừa qua có nhiều nữ doanh nghiệp khởi nghiệp đi vay vốn nhưng giấy tờ nhà đất lại chỉ đứng tên chồng nên không thể vay vốn.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng Khoa Pháp luật kinh tế Trường ĐH Luật Hà Nội, bày tỏ: theo luật Đất đai 2013, việc quy định cả vợ và chồng cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã làm tăng tỷ lệ giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng. Từ đó đảm bảo quyền của phụ nữ nói riêng và quyền của người sử dụng đất nói chung, tạo cơ hội cho phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp giấy chứng nhận chỉ có tên người chồng với đối tượng là hộ gia đình và đối tượng là vợ và chồng có chung quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều (khoảng 12 triệu giấy chứng nhận theo báo cáo số 51/BC-BTNMT ngày 20.5.2020).

Một trong những nguyên nhân là do từ chính quy định "…việc cấp đổi giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu" tại khoản 4 điều 98 luật Đất đai 2013 và được giữ nguyên tại khoản 4 điều 143 dự thảo luật Đất đai sửa đổi.

"Điều này đã làm mất đi ý nghĩa của quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi tên của họ, tên vợ và họ, tên chồng" - bà Nga nhận định.

Do đó, bà Nga đề xuất, nên làm rõ quy định, trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì phải thực hiện thủ tục cấp đổi sang ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Cũng tại hội nghị, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ các quận, huyện của Hà Nội cũng cho biết, trên địa bàn đã xảy ra nhiều trường hợp người phụ nữ bị mất quyền lợi sở hữu đất khi ra tòa ly hôn vì không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đa số các đại biểu cho rằng, việc ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyền đương nhiên, chứ không cần xuất phát từ "nếu có yêu cầu".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.