'Nhiều quan chức đang làm giàu nhờ tham nhũng'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/05/2018 07:13 GMT+7

Đánh giá công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều hạn chế, từ việc nể nang trong đánh giá, chạy chức chạy quyền phổ biến, nhiều quan chức làm giàu nhờ tham nhũng..., ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư (ảnh), cho rằng Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 đã đề ra nhiều điểm mới nhằm khắc phục tình trạng nêu trên.


Ảnh: Lê Hiệp

Tuy nhiên, theo nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư, để thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 về công tác cán bộ thành công, cần phải có sự triển khai thực hiện quyết liệt và triệt để với những giải pháp cụ thể từ khâu đánh giá cán bộ, cho tới hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, chứ không thể “lớt phớt”.
Đánh giá cán bộ vẫn còn nể nang, dĩ hòa vi quý
 Bí thư tỉnh ủy nào về địa phương không sốt sắng triển khai thì T.Ư phải có người theo dõi, nhắc nhở, làm không được thì phải phê bình. Có như vậy mới có thể triển khai thực hiện một cách kiên quyết và triệt để được
 
Hội nghị T.Ư 7 thông qua Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ với nhiều điểm mới. Là người làm công tác cán bộ nhiều năm, ông đánh giá thế nào về những nội dung mới của nghị quyết vừa được thông qua?
Lần này, T.Ư chuẩn bị nội dung cho Hội nghị T.Ư 7 khá kỹ. Trước khi hội nghị khai mạc, đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị lấy ý kiến của các bộ ngành, các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học… rồi tập hợp thành một đề án để đưa ra T.Ư thảo luận. Nhìn chung, Nghị quyết về công tác cán bộ vừa được Ban Chấp hành T.Ư thông qua vẫn kế thừa Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 3 khóa VIII cách đây 20 năm về “Chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Đương nhiên, thực tiễn hiện nay đã khác trước rất nhiều, do đó, nghị quyết lần này đã cụ thể thêm, nhấn mạnh một số điểm mà theo tôi là khá mới như yêu cầu đổi mới công tác đánh giá cán bộ, thí điểm bố trí bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không phải người địa phương hay nhấn mạnh cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ…
Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác đánh giá cán bộ của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều người có sai phạm song vẫn “lọt” qua các quy trình để vào T.Ư, thậm chí cấp cao hơn. Ông bình luận gì về tình trạng này?
Thời gian qua, công tác đánh giá cán bộ chúng ta còn nhiều bất cập. Vẫn còn tình trạng dĩ hòa vi quý, không muốn động chạm, nể nang nhau trong tập thể. Ông bí thư mắc khuyết điểm mà tập thể không mạnh thì đương nhiên người ta phải tránh, người ta không nói. Đó là tình trạng phổ biến hiện nay.
Tôi cho rằng, để đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác phải dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ. Phải làm cho rõ, liệu với nhiệm vụ được giao, anh có làm tốt hay không, có sáng kiến gì không hay chỉ làm cầm chừng, làm cho xong. Thứ nữa là phải tìm hiểu, thu thập thông tin từ sự đánh giá của quần chúng nhân dân, của đồng nghiệp trong cơ quan tổ chức của cán bộ và nghe ngóng từ dư luận xã hội. Một cán bộ bao giờ cũng phải ở một nơi nào đó, do đó việc cán bộ ấy sống thế nào, có nghiêm túc hay không, có nhiều người tới xin chức, xin việc hay không… thì người dân đều sẽ biết.
Siết công tác quản lý cán bộ
Câu chuyện kiểm soát quyền lực đã được đặt ra từ lâu nhưng dường như chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Liệu rằng, bối cảnh hiện nay đã có quá nhiều khác biệt so với 20 năm trước, khi chúng ta ban hành Nghị quyết T.Ư 3 khóa VIII, thưa ông?
Thời Nghị quyết T.Ư 3 khóa VIII ra đời, cơ chế thị trường mới vận hành nên tiêu cực trong đội ngũ còn ít. Đương nhiên cũng có tình trạng tham nhũng nhưng chỉ là quà cáp lặt vặt thôi. Còn bây giờ tình trạng nặng nề hơn nhiều. Cơ chế thị trường tác động sâu tới mọi mối quan hệ xã hội. Người ta chạy chức, chạy quyền cũng bằng tiền cả. Nhiều quan chức nhờ thế mà giàu lên. Trong tình hình đó, người nào không nghiêm túc rèn mình sẽ sa ngã là chuyện đương nhiên.
Vậy theo ông, việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực được đề ra tại Nghị quyết T.Ư 7 lần này cần phải lưu ý điều gì khi triển khai vào thực tế?
Trước hết, để kiểm soát quyền lực chúng ta phải có đủ các quy định về mặt tổ chức như chức năng, nhiệm vụ của cán bộ được giao như thế nào, trách nhiệm ra sao… Đó là “nhốt quyền lực vào rọ cơ chế, pháp luật” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.
Bên cạnh đó, cần phải siết công tác quản lý cán bộ. Phải quy định rõ nội dung quản lý cán bộ ở từng cấp như thế nào, quản lý những gì, từ hoạt động, quan hệ xã hội, cho tới quản lý về tài chính, tài sản của cán bộ đó. Mỗi cán bộ đều nằm trong một phạm vi quản lý nào đó, chẳng hạn, Tổng bí thư là người cao nhất trong Đảng cũng thuộc quản lý của T.Ư Đảng, của tập thể Bộ Chính trị, không thể thoát ra ngoài được.
Ngoài ra, công tác phê bình và tự phê bình phải được thực hiện một cách nghiêm túc, không nể nang. Ở mỗi tập thể bao giờ cũng có những người dám đấu tranh, dám lên tiếng. Do đó, nếu ở đó tập thể mạnh thì thông qua phê bình và tự phê bình, sẽ bộc lộ ra ưu khuyết điểm của người cán bộ.
Thực hiện phải kiên quyết, triệt để
Một trong những điểm mới của Nghị quyết T.Ư 7 lần này là thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy tỉnh và huyện không phải là người địa phương. Theo ông, đây có phải là giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát quyền lực, hạn chế chạy chức chạy quyền hay không?
Đây là một trong những nội dung mới của nghị quyết T.Ư lần này. Tôi cho rằng, nếu triển khai được việc này thì sẽ có nhiều điều lợi. Vì nó giúp cho người cán bộ đứng đầu không còn bị vướng bởi những quan hệ xã hội như anh chị em, bạn bè, họ hàng, làng xóm... Việc điều hành sẽ khách quan hơn. Tuy nhiên, theo tôi, việc này không nên làm đồng loạt ở tất cả các tỉnh mà nên làm một cách linh hoạt.
Cụ thể, địa phương nào có sự đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, kinh tế phát triển tốt, mà nguồn cán bộ dồi dào thì nên đưa cán bộ tại địa phương đó lên làm chủ chốt. Còn những nơi phong trào không được tốt, nguồn cán bộ không được mạnh thì mới nên điều chuyển. Bởi nếu làm đồng loạt thì phải có nguồn cán bộ rất lớn.
Nếu 63 tỉnh, thành mà mỗi tỉnh, thành chỉ thay thế 2 cán bộ (bí thư và chủ tịch UBND tỉnh) thôi thì cũng phải chuẩn bị hơn 120 cán bộ. Đó là điều không phải dễ. Khóa trước chúng ta chỉ luân chuyển hơn 40 cán bộ về địa phương nhưng cũng phải rất vất vả mà rồi không phải người nào trong số 40 người được luân chuyển ấy cũng phát triển tốt như mong muốn.
Để nghị quyết tại Hội nghị T.Ư 7 lần này về công tác cán bộ có thể mang lại hiệu quả như mong muốn, đi được vào cuộc sống, theo ông, vấn đề cốt lõi phải làm là gì?
Tôi nghĩ, nghị quyết của hội nghị lần này sẽ thành công với điều kiện là sau hội nghị các cấp ủy và tổ chức đảng phải tổ chức quán triệt hội nghị một cách sâu sắc chứ làm lớt phớt là không được. Quan trọng hơn là phải chỉ đạo thực hiện một cách kiên quyết và triệt để, thông qua việc thúc đẩy trách nhiệm những người đứng đầu. Bởi chỉ khi người đứng đầu làm kiên quyết thì tập thể mới có thể làm kiên quyết được. Bí thư tỉnh ủy nào về địa phương không sốt sắng triển khai thì T.Ư phải có người theo dõi, nhắc nhở, làm không được thì phải phê bình. Có như vậy mới có thể triển khai thực hiện một cách kiên quyết và triệt để được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.