Nhiều quan điểm khác nhau về luật Trưng cầu ý dân

26/02/2015 03:00 GMT+7

Chiều qua (25.2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 35, cho ý kiến lần đầu tiên về dự thảo luật Trưng cầu ý dân do Hội Luật gia VN chủ trì soạn thảo.

Chiều qua (25.2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 35, cho ý kiến lần đầu tiên về dự thảo luật Trưng cầu ý dân do Hội Luật gia VN chủ trì soạn thảo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp ngày 25.2 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp ngày 25.2 - Ảnh: TTXVN

Theo dự kiến, dự luật này sẽ trình Quốc hội (QH) cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (5.2015) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (10.2015), QH khóa 13.

Trưng cầu ý dân về các vấn đề quan trọng

Thuyết minh về dự luật, Chủ tịch Hội Luật gia VN Nguyễn Văn Quyền khẳng định trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh còn rất nhiều hạn chế.

Chưa quyết định sẽ trình QH vào Tháng 5.2015

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ liên quan của dự án luật, bổ sung ý kiến của các cơ quan liên quan. Sau khi hoàn thiện các thủ tục này UBTVQH mới quyết định có trình QH cho ý kiến đối với dự luật tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5.2015 hay không.

Trước đó tại phiên họp buổi sáng UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND và về dự thảo kế hoạch tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật Tổ chức Quốc hội.

Theo ông Quyền, một trong những nguyên nhân là do chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân, mặc dù đây là một quy định pháp lý hiến định. Việc ban hành luật là cần thiết, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Liên quan đến những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, ông Quyền cho biết đa số ý kiến đề nghị chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để QH quyết định đưa ra trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị cần phải quy định rõ, cần phải liệt kê những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, cần làm rõ các điều kiện để đưa ra các nội dung quyết định trưng cầu. Trưng cầu ý dân phải có sự khác biệt, đặc biệt hơn, được tổ chức ở quy mô chặt chẽ hơn, các quyết định trưng cầu có tính bắt buộc so với các trường hợp lấy ý kiến nhân dân khác. Theo bà Mai, lấy ý kiến thì chỉ để cơ quan có thẩm quyền tham khảo, xem xét, còn trưng cầu ý dân sẽ có hiệu lực trực tiếp và phải thi hành dựa trên kết quả quyết định của người dân.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị quy định trong luật này là không được kiến nghị trưng cầu ý dân những nội dung trái với Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó theo ông Ksor Phước, “trưng cầu ý dân xong thì kết quả đó QH xem xét như thế nào, có chấp nhận hay không, chứ không phải là trưng cầu xong thì đem ra thực hiện luôn”.

Đề xuất Quốc hội có quyền bác bỏ kết quả

Liên quan đến “Chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân”, dự thảo luật trình 2 phương án. Phương án 1 gồm Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu QH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Phương án 2 mở rộng thêm một số chủ thể khác cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.

Về vấn đề này ông Ksor Phước đề nghị không thể để ai cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân mà nên quy định QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, UBTVQH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Tán thành quan điểm trên, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu phải là tập thể, “không có cá nhân dù ở vị trí nào”. Theo ông Hiển, “nếu đến thời điểm nào đó phụ thuộc vào một cá nhân đưa ra đề xuất có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống, thể chế chính trị”.

Cũng theo ông Hiển, cần quy định cụ thể nội dung của trưng cầu ý dân là gì. Ông Hiển cho rằng cần làm rõ việc xử lý sau khi trưng cầu ý dân như thế nào. Ông Hiển đặt trường hợp nếu 50% người dân đi bỏ phiếu, trong đó quá bán đồng ý một vấn đề nào đó nhưng trên thực tế chỉ là 25% dân số thì cũng không phản ánh thực tế. Ông Hiển đề nghị quy định cần có khâu chốt là QH sẽ công nhận việc trưng cầu ý dân. “Nếu ý kiến trưng cầu không hợp lý, QH có quyền bác bỏ. Như vậy luật này mới chặt chẽ được”, ông Hiển nói.

Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, có 65/167 quốc gia có luật trưng cầu ý dân không quy định cụ thể mà để cho cơ quan đại diện quyền lực lựa chọn vấn đề trưng cầu ở một thời điểm cụ thể. Về “Chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân”, ông Uông Chu Lưu cho rằng các chủ thể như Chủ tịch nước, Chính phủ... có quyền đề nghị trưng cầu một vấn đề nào đó còn QH là cơ quan có thẩm quyền quyết định có trưng cầu ý dân hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.