Nhiều sai sót tại dự án cầu vượt Gò Dưa

26/12/2009 00:07 GMT+7

Một cây cầu vượt chỉ dài 970m nhưng xây hơn 5 năm chưa xong, do hàng loạt sai sót của chính quyền địa phương trong quá trình thu hồi đất.

Sai từ đầu

Cầu vượt Gò Dưa nằm tại nút giao quốc lộ 1A với tỉnh lộ 43 (Q.Thủ Đức, TP.HCM), là một hạng mục bổ sung của dự án đường Xuyên Á. Công trình được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt đầu tư năm 2003, với tổng chiều dài hơn 800m (trong đó có 200m cầu vượt và 600m đường dẫn), tổng kinh phí 107 tỉ đồng, giao Ban quản lý dự án (BQLDA) Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Đến năm 2004, Bộ GTVT ra tiếp quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án, nâng tổng chiều dài lên 970m, tổng kinh phí gần 190 tỉ đồng.

Nếu theo đúng quy trình thực hiện dự án, sau khi có các quyết định phê duyệt đầu tư và điều chỉnh dự án của Bộ GTVT, chủ đầu tư phải thuê đơn vị tư vấn thiết kế để tiến hành các bước đo vẽ, cắm mốc và lên sơ đồ ranh giải tỏa. Sau đó, chủ đầu tư làm văn bản đề xuất diện tích đất cần giải tỏa cho dự án (kèm sơ đồ ranh giải tỏa) trình Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT). Sau khi đánh giá, Sở TN-MT sẽ có tờ trình và UBND TP chính thức ban hành quyết định thu hồi đất tổng thể của dự án. Từ đây, UBND Q.Thủ Đức mới ra quyết định thu hồi đất của từng hộ dân nằm trong phạm vi xây cầu vượt Gò Dưa và triển khai các bước đền bù giải tỏa tiếp theo.

Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã tiến hành thu hồi đất của người dân mà "phớt lờ" tất cả thủ tục pháp lý trên. Cụ thể, sau khi có quyết định phê duyệt đầu tư của Bộ GTVT, UBND TP đã có Quyết định (QĐ) 3358 ngày 15.8.2003 về "thu hồi giao đất, điều chỉnh dân cư... các hộ dân bị ảnh hưởng bởi phạm vi quy hoạch nút giao thông Gò Dưa". Về pháp lý, đây không phải là quyết định thu hồi đất tổng thể, mà chỉ là quyết định chấp thuận bổ sung nút giao thông Gò Dưa là một hạng mục công trình của dự án đường Xuyên Á. Thế nhưng, chỉ dựa trên QĐ 3358, trong năm 2005, UBND Q.Thủ Đức đã "ra tay" giải tỏa hơn 200 hộ dân thuộc dự án, bỏ qua các bước ra quyết định thu hồi đất tổng thể, ra quyết định thu hồi đất từng hộ dân, mà chỉ có bước cuối cùng là áp giá chi trả bồi thường cho dân.

Việc làm sai rành rành này cũng được chính UBND Q.Thủ Đức thừa nhận trong văn bản 754 ngày 11.5.2006, trong đó xác định "việc một số hộ đã được kiểm kê - áp giá - chi trả bồi thường nhưng chưa có quyết định thu hồi đất là chưa đúng với quy định pháp luật". Thế nhưng, dù thừa nhận làm chưa đúng, song trách nhiệm của các cá nhân liên quan chỉ dừng lại ở việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong nội bộ quận. UBND Q.Thủ Đức còn "đá" trách nhiệm qua BQLDA Mỹ Thuận khi cho rằng, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã không thông tin đầy đủ cho Hội đồng bồi thường thiệt hại - giải phóng mặt bằng của quận. Trong khi đó, phía BQLDA Mỹ Thuận khẳng định, việc chậm trễ hoàn toàn do khâu giải phóng mặt bằng.

Tiền tỉ phơi sương

Trong lúc các cơ quan hữu quan đá qua, đá lại "trái bóng" trách nhiệm, thì trên thực tế, việc sai sót trong khâu đền bù này đã kéo theo những thiệt hại khôn lường.

Thiệt hại trước nhất vẫn là người dân đã bị giải tỏa trái luật. Nếu theo đúng trình tự, đáng lẽ hàng trăm hộ dân tại đây đã có thể được áp giá đền bù có lợi theo Nghị định 197 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (có hiệu lực từ tháng 12.2004). Thế nhưng, chính vì kiểu "đi tắt" của cơ quan chức năng, nên hơn 200 hộ dân đã giải tỏa trong năm 2005 đều bị áp giá đền bù theo Nghị định 22 năm 1998, mà cụ thể là phương án giá 02 (ngày 8.2.2002) cho dự án đường Xuyên Á, chỉ có 3 triệu đồng/m2.

Thiệt hại tiếp theo, là từ sai sót của chính quyền địa phương đã phát sinh khiếu kiện kéo dài của người dân, dẫn đến dự án bị đình trệ từ năm 2005 đến nay. Theo chỉ đạo của Chính phủ, cầu vượt Gò Dưa là hạng mục bổ sung của dự án đường Xuyên Á, do đó kinh phí đầu tư được lấy từ khoản vốn còn dư sau khi đấu thầu dự án đường Xuyên Á, vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Thế nhưng, vì dự án đình trệ nên đến cuối năm 2005, ADB đã đóng khoản vay này. Do đó, việc triển khai các phần còn lại của cầu vượt trở thành gánh nặng cho ngân sách TP. Theo ước tính đầu năm 2006, kinh phí xây lắp hoàn chỉnh nút giao thông Gò Dưa là 25 tỉ đồng, đến 2007 tăng lên 45 tỉ đồng, và đến thời điểm này số tiền chắc chắn đã tăng cao hơn nhiều do trượt giá.

Có nhìn cây cầu đã hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu đường dẫn mà bị bỏ hoang suốt 4 năm qua mới thấy xót cảnh tiền tỉ phơi sương. Trong khi đó, ngay phía bên dưới cầu, tình trạng kẹt xe tại nút giao quốc lộ 1A với tỉnh lộ 43 ngày càng căng thẳng. Vào giờ cao điểm, xe tải, xe khách nối dài hàng km đến tận cầu vượt Bình Phước 2. Nghịch lý ở chỗ, với những sai sót của một số lãnh đạo địa phương gây thiệt hại lớn cho người dân và ngân sách TP, song việc quy trách nhiệm chỉ dừng lại ở chỗ xin lỗi suông và kiểm điểm qua loa trong nội bộ.

Bắt đầu giải quyết khiếu nại

UBND TP.HCM vừa ủy quyền cho Sở TN-MT giải quyết khiếu nại của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cầu vượt Gò Dưa.

Cụ thể, các hộ cho rằng QĐ 3358 do UBND TP ban hành không có giá trị thu hồi đất, đồng thời việc đền bù giải phóng mặt bằng không đúng trình tự pháp lý gây thiệt hại cho người dân.

Tuy nhiên, tại buổi đối thoại mới đây, người dân và chính quyền vẫn chưa tìm được tiếng nói chung khi phần lớn hộ dân cho rằng, Sở TN-MT không đủ chức năng và thẩm quyền để giải quyết khiếu nại về tính pháp lý của văn bản do Chủ tịch UBND TP ban hành. Một số hộ khác thì không chấp nhận mức đền bù dự kiến điều chỉnh lên 4,8 triệu đồng/m2, vì không sát giá đất thực tế hiện nay (khoảng 13,8 triệu đồng/m2). Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc UBND TP cần trực tiếp vào cuộc "gỡ rối" cho dự án, để cầu vượt Gò Dưa sớm khởi động lại và đưa vào sử dụng, tránh tình trạng "án binh bất động" và lãng phí kéo dài.

 Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.