Nhiều sáng kiến hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam - Trung Quốc

Ngọc Mai
Ngọc Mai
từ Bắc Kinh, Trung Quốc
27/06/2024 11:18 GMT+7

Hội nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh, thu hút hàng trăm quan chức cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp hai nước.

Sáng 27.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, trong chương trình làm việc tại Trung Quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong chuyến công tác lần này, Thủ tướng đã gặp gỡ các lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường. Tại các cuộc gặp, hai bên đã có trao đổi chân tình, thống nhất nhiều nội dung hợp tác song phương, trong đó có phát triển giao thông hạ tầng chiến lược.

Nhiều sáng kiến hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam - Trung Quốc- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc ngày 27.6

NHẬT BẮC

Thủ tướng nhấn mạnh chọn giao thông hạ tầng là nhân tố đột phá, thúc đẩy kinh tế, sinh kế của người dân, góp phần vào sự phát triển của cả hai nước.

Thủ tướng cho rằng hội nghị hợp tác là giữa hai nước, hai chính phủ nhưng hợp tác doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong. Điều này thể hiện sự quan tâm của hai chính phủ trong lĩnh vực hợp tác hạ tầng chiến lược giao thông, coi đây là đột phá, biểu tượng của hợp tác song phương.

Theo Thủ tướng, phát triển kết nối hạ tầng chiến lược hai nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là yêu cầu khách quan. Thủ tướng nêu rõ kết nối giao thông hạ tầng mới tạo ra giao thương, thuận lợi cho giao lưu nhân dân, là cơ sở kết nối khu vực và quốc tế. Trung Quốc thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường châu Á, Đông Nam Á. Việt Nam thông qua Trung Quốc kết nối với châu Âu, Trung Á.

Nhắc lại lịch sử và chính sách phát triển "đường xây đến đâu làm giàu đến đó", Thủ tướng đánh giá Trung Quốc hiện xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn chỉnh và có quy mô hàng đầu thế giới. Do đó, Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm phát triển hạ tầng của Trung Quốc. Hai nước "núi liền núi, sông liền sông" có tiềm năng hợp tác rất lớn và mỗi bên có những thế mạnh riêng nên thúc đẩy hợp tác thì có lợi cho cả hai bên, theo Thủ tướng.

Thủ tướng cho biết hai bên đã đạt một số kết quả hợp tác tích cực trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, trong đó có đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Thủ tướng cho rằng phát huy để xây dựng tốt nhiều đoạn tuyến nữa thì sẽ rất hiệu quả. Thủ tướng nêu rõ việc nghiên cứu dự án hợp tác 3 tuyến đường sắt cần ưu tiên, bên cạnh đó là đường sắt đô thị. Phương châm là không nóng vội, làm phải chắc.

Quá trình hợp tác lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, chống tham nhũng, tiêu cực. Bàn làm không bàn lùi. Đâu cần doanh nghiệp có, đâu khó có doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH

Thủ tướng cũng nêu các hạn chế như kết quả hợp tác kết nối hạ tầng giao thông chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên khi nhu cầu rất lớn mà chưa khai thác hết, các lĩnh vực vẫn còn khó khăn, còn chậm, chưa triển khai được hệ thống lớn, số lượng doanh nghiệp Trung Quốc tham gia chưa nhiều, chưa chú trọng hợp tác công tư, một số cơ chế còn khó khăn, khuôn khổ hợp tác chưa hoàn thiện.

Thủ tướng khẳng định cần nghiêm túc triển khai, chung tay tích cực chủ động của ban ngành, địa phương, người dân, có chính sách đủ mạnh để thu hút, cơ chế hợp tác có trọng tâm, trọng điểm, có kiểm soát, kiểm tra để tháo gỡ ngay các vướng mắc, phải đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong điều hành.

Chỉ ra các nguyên nhân, Thủ tướng cũng đề nghị sớm ký hiệp định liên chính phủ để thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ, hiệu quả. Thủ tướng cũng nêu những bài học kinh nghiệm và gợi mở cho các doanh nghiệp của cả hai nước.

Nhiều sáng kiến hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam - Trung Quốc- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị

NHẬT BẮC

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng sau đó làm rõ nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam và đề xuất một số giải pháp hợp tác với phía Trung Quốc.

Hội nghị thu hút nhiều ý kiến sâu sát của các doanh nghiệp hai bên. Trong đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đều bày tỏ quan tâm tới cơ hội hợp tác hiệu quả với phía Việt Nam trong lĩnh vực thế mạnh của họ với tinh thần chung là chân thành, đôi bên cùng có lợi.

Ông Mã Vân Song, Tổng giám đốc Công ty hữu hạn cổ phần Tập đoàn Trung Xa Trung Quốc đánh giá thỏa thuận cấp cao của lãnh đạo cấp cao hai nước là cơ sở quan trọng và tạo cơ hội hiếm có để hợp tác. Ông kiến nghị Việt Nam tham khảo phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam là trục chính và các đường nhánh kết nối trục chính, xem xét quy hoạch hợp tác chính phủ - doanh nghiệp, có thể hợp tác theo hình thứ liên doanh, liên kết sản xuất thiết bị đường sắt và lựa chọn để xây dựng cung ứng các sản phẩm tại Việt Nam. Mục tiêu là phát triển đường sắt bền vững, nâng cao năng lực vận hành, bảo trì. Công ty cũng mong muốn tham gia vào hệ thống năng lượng sạch ở Việt Nam. Ông cho rằng phải cởi mở mới có thể hợp tác và phải hợp tác mới có thể tạo ra tương lai tốt đẹp hơn.

Cũng tại hội nghị, ông Vương Đồng Trụ - Chủ tịch HĐQT Công ty hữu hạn Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC), cho rằng quan hệ hai nước đang có đà tốt đẹp và doanh nghiệp Trung Quốc nắm bắt được thông điệp Việt Nam coi phát triển hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược. CCCC quán triệt nhận thức chung 2 Đảng 2 nước, tăng cường thúc đẩy hợp tác với phía Việt Nam trên 3 khía cạnh: 1 là hạ tầng cứng trong đó vai trò chính phủ Việt Nam là chủ đạo, doanh nghiệp Trung Quốc tham gia cùng xây dựng, 2 là kết nối mềm, tạo ra các công trình bền vững, hợp tác theo hướng giao thông xanh, tài chính xanh… 3 là kết nối trái tim. Ông cho rằng hai bên có lợi thế so sánh rõ ràng, có cơ hội hợp tác tốt, Việt Nam có môi trường kinh doanh chất lượng cao, pháp luật lành mạnh, CCCC mong muốn đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của Việt Nam và tình hữu nghị hai nước.

Ông Nghiêm Giới Hòa, Tổng giám đốc Tổng công ty Hữu hạn tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương cũng đề xuất các mô hình hợp tác với mong muốn tham gia các dự án tại Việt Nam.

Ghi nhận những chia sẻ của quan chức và doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các phát biểu thể hiện tinh thần chiến đấu cao, cảm nhận được nhận thức chung của doanh nghiệp là mong muốn cụ thể hóa thỏa thuận cấp cao. Hội nghị bàn nhiều về giao thông thông suốt trên toàn bộ các tuyến, thúc đẩy phát triển giao thông xanh, số phù hợp xu thế thế giới. Thủ tướng cho rằng cần phải cùng nhau hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát triển ưu tiên, có lựa chọn, nhanh, bền vững, phải hoàn thiện quy hoạch xây dựng dự án, đề án giải pháp cụ thể, cần bổ sung hoàn thiện hiệp định để làm bài bản, có sự vào cuộc của Nhà nước, bộ ngành liên quan.

Một trong những yếu tố quan trọng là huy động nguồn lực, xây dựng cơ sở chính sách để huy động, chấp nhận rủi ro để phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh mong muốn Trung Quốc hợp tác giúp đỡ Việt Nam vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị thông minh. Việt Nam kêu gọi các tập đoàn Trung Quốc tìm hiểu, tham gia đầu tư, đấu thầu xây dựng các dự án phù hợp, kêu gọi doanh nghiệp 2 nước liên danh, liên doanh, liên kết với tinh thần chân thành, tin cậy. "Quá trình hợp tác lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, chống tham nhũng, tiêu cực. Bàn làm không bàn lùi. Đâu cần doanh nghiệp có, đâu khó có doanh nghiệp", Thủ tướng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.